Theo Đại sứ Yerlan Bayzhanov, có điều chung giữa thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thoạt nghe tưởng không có gì chung cả, song nếu ngẫm nghĩ sâu xa, mối quan hệ rất rõ ràng, cho dù là gián tiếp. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam hiện nay. Việt Nam đã cho thấy một hệ thống được huy động tốt và phong tỏa hiệu quả được dịch bệnh. Toàn thể nhân dân đều thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật và có ý thức đặt lợi ích chung lên trên mối quan tâm cá nhân.
Kết quả phòng, chống dịch bệnh vừa qua của Việt Nam nói lên rằng, ngoài hành động phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan chính quyền, cần ghi nhận cả tâm lý xã hội Việt Nam đã thấm sâu hệ tư tưởng Hồ Chí Minh. Người Việt Nam đã lấy ý thức tổ chức, sẵn sàng chịu hạn chế, đoàn kết tập thể và thích nghi trước các thay đổi, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn để chống lại dịch bệnh. Những phẩm chất đó còn được củng cố bằng một nhân tố nữa, đó là lòng yêu nước.
Đại sứ Yerlan Bayzhanov cho rằng, chính lòng yêu nước là đặc trưng chủ yếu trong hệ tư tưởng của Hồ Chí Minh. Điểm xuất phát của sự nghiệp chính trị của Người là tư tưởng giải phóng dân tộc. Giải phóng khỏi ách thực dân thuộc địa, thống nhất thành một nhà nước duy nhất và lớn mạnh, tự do và độc lập của Việt Nam là những ưu tiên chính trong cuộc đời và sự nghiệp sáng chói của Người. Người đã đặt lợi ích dân tộc lên trên cái nhìn giai cấp.
Đại sứ Yerlan Bayzhanov dẫn một luận điểm quan trọng của giáo sư lịch sử Viện Viễn Đông, Đại học Quốc gia Saint-Petersbourg (Liên bang Nga) Valdimir Kolotov: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm của vị lãnh đạo Việt Nam đối với quá trình thực hiện cách mạng dân tộc Việt Nam, bao gồm các lý tưởng đã được mài giũa của cách mạng Pháp và Mỹ, chủ nghĩa Mác-Lênin, cũng như các trường phái triết học truyền thống của các nước Viễn Đông, được hệ thống trên cơ sở văn hóa dân tộc của Việt Nam”.
Nhớ lại câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh ngụ ý rằng: Đi đầu khi khó khăn và đứng ở vị trí cuối cùng khi nói đến phần thưởng, Đại sứ Yerlan Bayzhanov kể lại: “Là một nhà báo, cha tôi đã đến Việt Nam hai lần vào năm 1984 và 1987. Ấn tượng mạnh bởi những chuyến đi này, ông đã viết gần hai chục bài bút ký. Sau đó, ông đã phát hành thành một cuốn sách riêng biệt dưới tựa đề hùng hồn “Dân tộc của lòng dũng cảm”. Cha tôi kể cho tôi nghe về những chuyến công tác này, nhưng khi tôi hỏi cha về ấn tượng mạnh nhất về Việt Nam, ông nói: “Tính khiêm tốn của Hồ Chí Minh. Cha được thăm ngôi nhà mà Người sống và làm việc. Ngôi nhà bài trí rất đơn sơ, giản dị, mặc dù đó là nhà của lãnh đạo đất nước. Ông là một người cộng sản không phải bằng lời nói mà bằng những việc làm”.
Đề cập đến công cuộc cải cách, đổi mới ở Việt Nam cũng như ở Kazakhstan, Đại sứ Yerlan Bayzhanov viết: “Giữa những năm 80 là một bước ngoặt cho thế giới xã hội chủ nghĩa. Cải tổ bắt đầu ở Liên Xô, và Việt Nam sau đó bắt tay vào chính sách đổi mới. Hôm nay chúng ta đã biết kết quả. Việt Nam đã xây dựng được chính sách cải cách nhất quán, tạo dựng các cơ chế thị trường trong ổn định chính trị, hình thành nền kinh tế rất linh hoạt và tăng dần phúc lợi của dân chúng. Việt Nam đã thành công như thế nào? Câu trả lời cho câu hỏi này trở nên rõ ràng khi bạn biết rằng một trong những nguyên tắc cơ bản của hệ tư tưởng Hồ Chí Minh là: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Sau khi giành được độc lập, Kazakhstan năm 1991 phải đối mặt với nhiệm vụ xây dựng nhà nước, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Giới lãnh đạo đất nước phải đối mặt với câu hỏi khó khăn trong việc lựa chọn thứ tự cải cách. Và về vấn đề này, Kazakhstan đã may mắn vì có được Nurultan Nazarbayev, một chính trị gia có tầm nhìn chiến lược. Thực tế đã cho thấy, ông có thể tìm thấy sự cân bằng cần thiết giữa hiện đại hóa kinh tế và chính trị. Công thức của ông là “Đầu tiên là kinh tế, sau đó đến chính trị” đã trở thành biểu hiện kinh điển của phương pháp cải cách thành công trong không gian hậu Xô viết.
Vai trò của Nurultan Nazarbayev có thể so sánh với ý nghĩa các hoạt động của các nhà lãnh đạo Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Họ có nhiều điểm chung - họ dành trọn suy nghĩ của mình cho các mục tiêu phát triển và tiến bộ, vì độc lập và hạnh phúc của dân tộc.”
Về mối quan hệ Việt Nam – Kazakhstan, Đại sứ Yerlan Bayzhanov cho biết: Tổng thống thứ hai của Kazakhstan, Kassym-Zhomart Tokayev, tiếp tục chính sách của Nazarbayev. Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông rất coi trọng việc phát triển mối quan hệ giữa Kazakhstan và những người bạn truyền thống. Kazakhstan coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Hai nước có tiềm năng hợp tác lớn, hai nền kinh tế có những thế mạnh bổ sung cho nhau. Điều này dẫn đến ý tưởng rằng sự phát triển của các mối quan hệ song phương đòi hỏi một cách tiếp cận có điểm nhấn và có hệ thống.
Đại sứ Yerlan Bayzhanov nhấn mạnh rằng: “Kazakhstan hiểu rõ về Việt Nam và chắc chắn rằng di chúc của Hồ Chí Minh sẽ được thực hiện. Đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, thật thích hợp để nhớ lại lời nói của Người: “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” ... và chúng ta có cơ hội để chứng kiến điều đó đang trở thành sự thật mỗi ngày. Xét cho cùng, như đã nêu trong học thuyết của chủ nghĩa Mác, "các ý tưởng trở thành sức mạnh vật chất khi chúng chiếm hữu quần chúng".