Giáo sư Kolotov nhấn mạnh giá trị đạo đức của Hồ Chí Minh rất bền vững và được kết hợp từ truyền thống của triết học phương Tây và phương Đông. Giáo sư chia sẻ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng rất vững chắc và cơ sở chính của tư tưởng Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh vai trò chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước. Nó có giá trị rất bền vững và những đạo đức này được Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp từ truyền thống của triết học phương Tây và phương Đông”.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia St. Petersburg đề cao vai trò và ý nghĩa của đạo đức và tính chính nghĩa trong bối cảnh trên thế giới đầy bất ổn hiện nay. Giáo sư Kolotov chia sẻ: “Nếu như không suy nghĩ về những lý tưởng cao quý của nhân loại như đạo đức, tính chính nghĩa… thì không thể xây dựng được điều gì tốt đẹp. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay có vấn đề thiếu hụt đạo đức nghiêm trọng. Chính vì thế phát sinh nhiều vấn đề như bây giờ, vấn đề an ninh, sinh thái và nhiều mặt khác. Do đó, cần tuyên truyền rộng rãi về tư tưởng Hồ Chí Minh để người ta có thể áp dụng trong hành động, bởi nếu thế giới dựa vào đạo đức nhiều hơn thì thế giới sẽ tốt đẹp hơn… Tôi nghĩ đạo đức cách mạng, đó là quân tử của thời đại ngày nay”.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn, Giáo sư Kolotov khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đóng vai trò chính yếu trong việc giải phóng và thống nhất Việt Nam, mà còn là một trong những nhà cách mạng có tầm cỡ thế giới, đã tham gia viết sách về lý luận và thực tiễn của cách mạng thế giới tại Quốc tế Cộng sản vào cuối thập niên 20, đầu thập niên 30 của thế kỷ XX.
Theo Giáo sư Kolotov, bạn bè Liên Xô và Nga luôn lưu giữ những tình cảm tốt đẹp đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua những hồi ký của mình. Câu chuyện mà họ kể về những cuộc gặp gỡ này là hết sức quan trọng và có vai trò to lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ.
Đánh giá về những hoạt động nổi bật của Viện Hồ Chí Minh trong thời gian qua, Giáo sư Kolotov cho biết ngoài việc tham gia tổ chức định kỳ hội thảo “Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh” từ năm 2015 đến nay, Viện còn tổ chức dịch cuốn “Hồ Chí Minh tiểu sử” đầy đủ nhất bằng tiếng Nga (dài hơn 800 trang), tham gia tổ chức triển lãm những nền văn hóa cổ của Việt Nam tại Viện Bảo tàng quốc gia Hermitage vào dịp sinh nhật Bác năm ngoái. Theo Giáo sư, nhiều hoạt động dự kiến tổ chức trong năm nay sẽ được điều chỉnh để phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Nga.