Đại sứ Gillian Bird: Australia cam kết đồng hành cùng Việt Nam vì sự phát triển thịnh vượng

Nhân dịp hai nước Việt Nam-Australia tròn 1 năm nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện (tháng 3/2024), Đại sứ Australia tại Việt Nam Gillian Bird đã chia sẻ với phóng viên báo chí về quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Gillian Bird. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Đại sứ tiếp nhận nhiệm vụ tại Việt Nam trong bối cảnh quan hệ hợp tác hai nước ở giai đoạn tốt đẹp nhất, khi hai nước đã thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Bà đánh giá thế nào về hợp tác song phương sau hơn một năm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện?

Mỗi cương vị ngoại giao khác nhau đều cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời. Tôi thực sự may mắn có mặt tại Việt Nam vào thời điểm quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ vững mạnh như hiện nay. Việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là cột mốc quan trọng, thể hiện rằng cả Việt Nam và Australia đều đặt nhau vào nhóm ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối ngoại.

Quan hệ đối tác này bao gồm nhiều trụ cột, nổi bật là hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, môi trường và năng lượng, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đều là các lĩnh vực rất quan trọng với Việt Nam.

Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục củng cố các lĩnh vực hợp tác truyền thống như quốc phòng, an ninh, kinh tế và giáo dục, một trong những trụ cột bền vững nhất trong quan hệ hai nước.

Tôi tin rằng, quan hệ Việt Nam-Australia hiện nay được xây dựng trên ba trụ cột lớn: hợp tác phát triển và giáo dục - có bề dày lịch sử và phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam; quan hệ kinh tế - đang được mở rộng đáng kể; và hợp tác quốc phòng-an ninh. Tất cả đều được củng cố bởi kết nối nhân dân bền chặt.

Hợp tác kinh tế là một lĩnh vực then chốt trong quan hệ giữa Australia và Việt Nam, với các mục tiêu chung như trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều. Đại sứ có thể cho biết Australia đang hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như thế nào thông qua chương trình phát triển và các hình thức hợp tác khác?

Hai quốc gia hiện có quan hệ thương mại và kinh tế mạnh mẽ và đang tăng trưởng. Australia hiện nằm trong top 10 đối tác của Việt Nam. Chúng tôi cam kết đồng hành với Việt Nam tiếp tục phát triển và thịnh vượng, vì sự thịnh vượng và ổn định của Việt Nam cũng góp phần vào sự thịnh vượng và ổn định của Australia.

Cách đây vài năm, Australia đã triển khai một chiến lược kinh tế mới cho khu vực Đông Nam Á bởi vì chúng tôi nhận thấy cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế khu vực. Chiến lược này có tên gọi "Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040”. Việt Nam là một trọng tâm trong chiến lược này. Chúng tôi cũng đã thành lập một nhóm hỗ trợ đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò thúc đẩy, hỗ trợ các cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Australia trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Chính phủ Australia cũng thành lập Quỹ tài chính đầu tư Đông Nam Á trị giá 2 tỷ AUD (khoảng 1,34 tỷ USD) để hỗ trợ khu vực tư nhân đầu tư vào khu vực, trong đó Việt Nam là một điểm nhấn.

Chúng tôi còn có một nền tảng công nghệ khu vực, nơi kết nối các lĩnh vực đổi mới, số hóa, trí tuệ nhân tạo (AI)… Chính phủ Australia đang triển khai các nỗ lực để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời khẳng định và thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân như là động lực và yếu tố quyết định giúp đất nước đạt được các mục tiêu phát triển vào năm 2030 và 2045. Australia có những kế hoạch và chương trình hợp tác nào để đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình phát triển với các động lực và yếu tố nói trên?

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam và mong muốn được đồng hành để cùng thực hiện các mục tiêu đó. Chương trình hợp tác phát triển của chúng tôi đang tập trung rất nhiều vào các lĩnh vực như: đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, AI - tất cả những lĩnh vực then chốt mà Việt Nam đang ưu tiên phát triển.

Trong khuôn khổ hợp tác phát triển, chúng tôi đã triển khai chương trình có tên Aus4Innovation, một chương trình kéo dài 10 năm tại Việt Nam. Chương trình được khởi động từ năm 2018, nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để phục vụ cho phát triển bền vững và toàn diện.

Tới đây, chúng tôi sẽ khởi động Trung tâm Công nghệ chiến lược Australia-Việt Nam tại Hà Nội, tiếp tục thể hiện cam kết trong hợp tác công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Điểm đặc biệt trong cách chúng tôi hợp tác là không chỉ giữa 2 Chính phủ, mà còn có sự tham gia của khối tư nhân và các viện nghiên cứu, trường đại học. Sự hợp tác 3 bên này là yếu tố then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Australia có thế mạnh trong việc kết nối 3 thành tố này.

Tất cả là nhờ vào mối quan hệ hợp tác giáo dục lâu đời với hơn 25 năm. Như Đại học RMIT đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm, cùng với hiện có hơn 300 chương trình hợp tác giáo dục giữa các cơ sở giáo dục của 2 nước, nhiều chương trình trong đó tập trung vào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Đại sứ đánh giá thế nào về vai trò của hợp tác quốc tế và khu vực đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, đồng thời tối đa hóa lợi ích cho Việt Nam và Australia? Bà nhìn nhận ra sao về những nỗ lực gần đây của Việt Nam trong lĩnh vực này?

Australia và Việt Nam là những đối tác có cùng chí hướng trong cách tiếp cận khu vực. Đối với Australia, an ninh, ổn định và thịnh vượng quốc gia gắn liền với các quan hệ đối tác trong khu vực và Việt Nam là một đối tác then chốt.

Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Việt Nam nhằm xây dựng một khu vực ổn định, hòa nhập, nơi chủ quyền quốc gia được tôn trọng và luật pháp quốc tế được tuân thủ, như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Quan điểm của Việt Nam trong vấn đề này rất tương đồng với Australia.

Tôi từng là Đại sứ đầu tiên của Australia tại ASEAN và đã làm việc rất nhiều với Việt Nam trong khuôn khổ này. Tôi đánh giá cao vai trò ngày càng tích cực của Việt Nam trong ASEAN.

Việt Nam là cầu nối để Australia ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) năm 2005 - một văn kiện nền tảng của ASEAN, mở đường cho việc Australia tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Tôi là người dẫn đầu đoàn đàm phán của Australia suốt quá trình này, làm việc rất chặt chẽ với người đồng cấp Việt Nam và có những ấn tượng rất tốt đẹp. Các nhà ngoại giao Việt Nam rất tài năng. Tôi thấy rõ vai trò của Việt Nam trong ASEAN. Tôi tin rằng vai trò đó tiếp tục mở rộng, cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của đất nước các bạn.

Chúng tôi tin rằng vai trò trung tâm của ASEAN là thiết yếu để giữ cho khu vực ổn định và Việt Nam đang phát huy rất tốt vai trò này.

Tôi cũng cho rằng, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Lễ mở ký Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng vào tháng Mười tới là một sự kiện quốc tế quan trọng, thể hiện vai trò ngày càng tích cực và đóng góp thiết thực của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Đại sứ quán Australia đang tích cực chuẩn bị cho các đoàn cấp cao sang thăm và tham dự sự kiện này.

Đại sứ có thông điệp nào muốn gửi tới người dân Việt Nam về sự gắn kết giữa nhân dân hai nước?

Hiện có một cộng đồng người gốc Việt lớn tại Australia, theo thống kê, có hơn 300.000 người gốc Việt tại Australia. Tiếng Việt là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ tư tại Australia, sau tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Arab.

Người Australia rất thích du lịch đến Việt Nam. Theo tôi biết, hiện nay có khoảng 400.000-500.000 người Australia đến thăm Việt Nam mỗi năm, số liệu năm 2024 là 490.000 du khách Australia đã đến Việt Nam. Các hãng hàng không của Việt Nam bao gồm Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và Vietjet đã đóng vai trò rất lớn trong việc tăng cường số chuyến bay giữa hai nước, không chỉ thuận tiện cho khách du lịch mà còn hỗ trợ vận chuyển hàng hóa như hải sản tươi sống giữa hai nước.

Về giáo dục, có hơn 35.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Australia. Tổng cộng đã có hơn 160.000 cựu sinh viên Việt Nam từng học tại Australia. Đại học RMIT đã có mặt tại Việt Nam suốt 25 năm qua và hiện có hơn 300 chương trình hợp tác giáo dục giữa hai nước. Đây là nền tảng quan trọng giúp tăng cường hiểu biết và kết nối giữa hai quốc gia, không chỉ trong lĩnh vực học thuật mà còn mở rộng sang hợp tác nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và giao lưu văn hóa.

Nhiều cựu du học sinh Việt Nam đang giữ các vị trí quan trọng trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội tại Việt Nam, đóng vai trò cầu nối hiệu quả cho mối quan hệ song phương.

Sự hiện diện ngày càng tăng của các trường đại học Australia tại Việt Nam cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người học, thúc đẩy sự giao thoa tri thức và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ Gillian Bird!

TTXVN/Báo Tin tức và Dân tộc
Doanh nghiệp Australia-Việt Nam thúc đẩy kết nối, hợp tác kinh doanh hậu COVID-19
Doanh nghiệp Australia-Việt Nam thúc đẩy kết nối, hợp tác kinh doanh hậu COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, tối 28/4, Hội đồng Kinh doanh Australia - Việt Nam (AVBC) đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm thành lập tại khách sạn Sydney Boulevard, trung tâm thành phố Sydney, bang New South Wales, Australia, với nhiều hoạt động giao lưu kết nối sôi nổi trong bầu không khí đầm ấm, thân tình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN