Từ ngày 12-15/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do đồng chí Vũ Hải Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại làm Trưởng đoàn đã tham dự các phiên họp của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 145 (IPU 145) và các hội nghị liên quan, gặp gỡ tiếp xúc song phương với Chủ tịch IPU, Chủ tịch Hạ viện Rwanda và các đoàn đại biểu tham dự hội nghị nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy ngoại giao nghị viện và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với IPU và các nghị viện thành viên.
Tại các phiên thảo luận toàn thể, Đại hội đồng đã nghe hơn 160 lượt phát biểu. Các ý kiến cho rằng ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới của các cuộc khủng hoảng, làm gia tăng những bất bình đẳng hiện tại, trong đó có bất bình đẳng giới. Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến các tác động tiêu cực, trong đó có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Khủng hoảng kinh tế tiếp sau đó đã tác động đến phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Khủng hoảng khí hậu cũng có yếu tố giới rõ nét. 80% những người phải di dời chỗ ở do biến đổi khí hậu là phụ nữ, làm cho trẻ em gái ít có cơ hội đến trường và phụ nữ khó có cơ hội tìm sinh kế bền vững. Họ cũng phải đối mặt với nguy cơ cao hơn do bị lạm dụng, nạn buôn người và hôn nhân cưỡng ép. Những cuộc khủng hoảng này đe dọa đẩy lùi các tiến bộ đã đạt được trong những thập kỷ gần đây trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và mục tiêu phát triển bền vững, không bỏ ai lại phía sau.
Các đại biểu tham dự đều khẳng định tầm quan trọng của bình đẳng giới, nhất là bình đẳng giới trong quá trình quyết định chính sách sẽ giúp đảm bảo phát triển bền vững, môi trường hòa bình, tầm nhìn toàn diện đối với mọi lĩnh vực; đồng thời nhất trí cho rằng việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái sẽ giúp giảm tác động của các cuộc khủng hoảng đối với xã hội nói chung. Nghị viện cần phải giải quyết các vấn đề bất bình đẳng cả trên pháp luật và thực tiễn, giúp cho xã hội trở nên bình đẳng và tự cường hơn. Các nghị viện cũng phải tự chuyển đổi để trở thành cơ quan lập pháp tôn trọng và đại diện cho bình đẳng giới.
Các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và thực tiễn của nước mình trong việc thực hiện bình đẳng giới; nêu ra một số biện pháp chính như: (i) cần có tỷ lệ nam và nữ cân bằng trong nghị viện, bao gồm các vị trí lãnh đạo; (ii) thiết lập các khuôn khổ pháp lý và chính sách cho bình đẳng giới; (iii) đưa ra các cơ chế để lồng ghép vấn đề giới trong các hoạt động của nghị viện; (iv) có thái độ không khoan nhượng đối với sự phân biệt giới tính và thúc đẩy sự cân bằng công việc và cuộc sống… Các đại biểu ghi nhận mặc dù đã có những tiến bộ trong bình đẳng giới, nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần làm. Các nghị viện cần giữ vai trò dẫn dắt để xây dựng xã hội ngày càng tự cường, hòa bình và thịnh vượng hơn trong bối cảnh của các cuộc khủng hoảng đa tầng và ngày càng khắc nghiệt hơn.
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể về chủ đề “Bình đẳng giới và các nghị viện có sự bình đẳng về giới là động lực để thay đổi vì một thế giới hòa bình và tự cường hơn”, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định bình đẳng giới là quyền cơ bản của con người, là mục tiêu của các quốc gia và là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ tiến bộ và phát triển của xã hội. Trưởng đoàn Việt Nam chia sẻ Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Quốc hội Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh việc xây dựng pháp luật liên quan đến vấn đề giới nhằm bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; rà soát, loại bỏ những nội dung, quy định mang định kiến giới. Quốc hội cũng chú trọng thực hiện các quy định về thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Trong quá trình xem xét quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội cũng đã quan tâm xem xét đến tác động giới của những quyết sách này, chú ý tới việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch, nhất là trong việc phân bổ ngân sách. Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.
Nhằm góp phần đảm bảo vấn đề bình đẳng giới để xây dựng một thế giới hòa bình và kiên cường hơn, Đoàn Việt Nam đã nêu một số đề xuất: (i) tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật quốc gia và quốc tế tạo hành lang pháp lý thúc đẩy bình đẳng giới; triển khai có hiệu quả các chính sách pháp luật về bình đẳng giới; (ii) tăng cường tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan lập pháp và hành pháp, cũng như trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách; (iii) thúc đẩy hợp tác giữa IPU, nghị viện các nước thành viên với các tổ chức Liên hợp quốc, các diễn đàn quốc tế về phụ nữ nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền của phụ nữ.
Tại Đại hội đồng, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục là một chủ đề nóng. Đại hội đồng đã thông qua chủ đề khẩn cấp, liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine và việc sáp nhập các vùng lãnh thổ, do Chile và các thành viên của Nhóm Mỹ Latinh và Caribe (GRULAC) đề xuất. Đây là lần thứ hai liên tiếp, Đại hội đồng thông qua đề xuất khẩn cấp liên quan đến vấn đề này, tiếp sau Đại hội đồng IPU 144 với chủ đề khẩn cấp về “Giải pháp hòa bình đối với tình hình Ukraine, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và toàn vẹn lãnh thổ” do New Zealand đề xuất.
Về vấn đề này, phát biểu tại phiên thảo luận, Đoàn Việt Nam cho biết Việt Nam theo dõi và đặc biệt quan ngại về các diễn biến gần đây tại Ukraine, có thể dẫn tới nguy cơ leo thang căng thẳng, đối đầu và những hệ lụy lớn, khó lường đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới; nhấn mạnh cần bảo đảm tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ qyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đoàn Việt Nam kêu gọi sớm chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, đảm bảo an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu, kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm ra giải pháp hòa bình, lâu dài và toàn diện, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan. Đoàn Việt Nam đề nghị IPU và các nghị viện thành viên tích cực hợp tác vì mục tiêu này.
Ngoài phiên họp toàn thể, các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự và đóng góp nội dung tại các phiên họp của các Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế, Phát triển bền vững, Dân chủ Nhân quyền, Các vấn đề Liên hợp quốc; Diễn đàn nữ nghị sỹ; Hiệp hội các Tổng thư ký nghị viện (ASGP).
Nhân dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã gặp gỡ, trao đổi với Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU thảo luận các nội dung hợp tác của Việt Nam với IPU trong đó có Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Việt Nam vào năm 2023; gặp Chủ tịch Hạ viện Rwanda, Chủ tịch Hạ viện Indonesia, Chủ tịch Hạ viện Australia, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Thông tin và Truyền thông Quốc hội Campuchia, Đoàn Nghị sĩ Thái Lan, Bỉ, Argentina, Peru… nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, thảo luận các nội dung tăng cường quan hệ hợp tác nghị viện và các vấn đề cùng quan tâm; gặp đại diện Nhóm công tác về khoa học và công nghệ của IPU, đại diện Nhóm công tác về phát triển bền vững và đại diện Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc để trao đổi về các dự án hợp tác với Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới.
Ngày 15/10, Đại hội đồng IPU thông qua các nghị quyết, báo cáo của các Ủy ban Thường trực IPU và Tuyên bố Kigali, trong đó đề ra các giải pháp nhằm giải quyết các bất bình đẳng giới mang tính cơ cấu gồm: (i) đạt được sự ngang bằng trong việc ra quyết định chính trị, bao gồm việc sử dụng hạn ngạch giới tính trong bầu cử; (ii) đảm bảo việc làm luật, thực thi pháp luật và quyết định ngân sách đáp ứng yếu tố về giới trong tất cả mọi lĩnh vực chính sách; (iii) quan tâm tới nhóm đối tượng yếu thế trong quá trình lập pháp, giám sát, phân bổ ngân sách; (iv) chấm dứt phân biệt dựa trên giới tính, bạo lực và các hành vi tổn hại khác, đảm bảo các quyền và sự công bằng cho tất cả phụ nữ và trẻ em; (v) thúc đẩy bình đẳng trong việc chia sẻ trách nhiệm giữa nam giới và nữ giới trong các công việc gia đình . Các Nghị viện cũng cam kết sẽ nỗ lực và có các hành động cụ thể để thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới trong vòng 10 năm tới.
Cũng tại Đại hội đồng lần này, lần đầu tiên IPU đã trao giải thưởng Cremer-Passy, giải thưởng mang tên những người sáng lập IPU cho một số cá nhân nghị sĩ và cơ quan của nghị viện thành viên. Giải thưởng dành cho các nghị sĩ có đóng góp nổi bật đối với việc bảo vệ và thúc đẩy các mục tiêu của IPU cũng như những người có đóng góp cho một thế giới đoàn kết, công bằng, bình đẳng, an ninh và phát triển bền vững hơn.
Đại hội đồng IPU 145 tại Rwanda đã thành công tốt đẹp. Kỳ Đại hội đồng tiếp theo sẽ do nước chủ nhà Bahrain đăng cai tổ chức vào tháng 3/2023.