Đại biểu Quốc hội là người dân tín, dân yêu

Trong suốt chặng đường 75 năm phát triển, Quốc hội luôn luôn gắn bó, đồng hành với dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dù trong bất kỳ hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử nào, đều hoàn thành trọng trách của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với những đóng góp to lớn, quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện các thế hệ đại biểu Quốc hội nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946 và 6/1/2021). Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Luôn là "đại biểu của nhân dân"

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội khóa XI, (đại biểu Quốc hội 6 khóa liên tiếp từ khóa VI, VII, VIII, IX, X và XI), người gắn bó với hoạt động của Quốc hội, vẫn nhớ như in kỷ niệm về những năm tháng gắn bó với sự nghiệp dân cử. Đặc biệt, cảm xúc lần đầu tiên khi được bầu chọn làm người đại biểu của nhân dân vẫn luôn vẹn nguyên, sống động trong ký ức của bà.

Bà Thu kể lại: “Thời kỳ trước, từng thành viên các Ủy ban của Quốc hội đều do Quốc hội biểu quyết bầu. Tôi may mắn được Quốc hội khóa VII bầu làm thành viên Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng; khóa VIII và khóa IX làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế - Xã hội, nay là Ủy ban về các vấn đề Xã hội; khóa X làm Ủy viên Thường vụ phụ trách công tác dân nguyện; khóa XI làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội. Tôi luôn tâm niệm, được bầu vào những vị trí đó không chỉ do sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, vì một mình mình thì không làm được gì cả, mà là nhờ có sự tin yêu của cử tri, sự tín nhiệm của Quốc hội dành cho mình. Cho nên, lúc nào tôi cũng phải cố gắng, để có thể hoàn thành tốt nhất trách nhiệm được giao”.

Sau hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp dân cử, với bà Thu, thời gian làm việc tại Quốc hội, tham dự các kỳ họp tại Hội trường Ba Đình, nay là Nhà Quốc hội là những năm tháng không thể nào quên.

Trong 6 nhiệm kỳ công tác tại Quốc hội, điều bà Thu nhớ nhất, ấn tượng nhất và rất tự hào mỗi khi nhắc lại là sự tin tưởng, tín nhiệm mà cử tri dành cho bà và các đại biểu Quốc hội. Là người con Nam Bộ, bà có nhiều năm sống và gắn bó với bà con nông dân. Đó là những năm tháng khó khăn, gian khổ, nhưng luôn được sự chở che, đùm bọc của nhân dân.  

“Tôi luôn trân trọng tình cảm, sự yêu mến mà bà con cử tri dành cho mình. Trong suốt 6 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, tôi tự hào vì luôn nhận được sự tín nhiệm cao của cử tri nơi đây, đồng thời luôn ghi nhớ, đại biểu Quốc hội không những đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri nơi đã bầu ra mình mà còn là đại biểu của cử tri cả nước”, bà Thu cho hay.

Còn với ông Đặng Quân Thụy, nguyên là đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX và X nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa IX thì kỷ niệm về ngày ông được bầu vào Quốc hội rất ý nghĩa. “Năm 1992, tôi vừa ở mặt trận về thì được phân công tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội. Theo phân công của Ủy ban bầu cử, tôi đi tiếp xúc cử tri, cảm xúc lúc bấy giờ khác lắm, vì đang làm thủ trưởng chỉ huy bộ đội, nay phát biểu trước nhân dân và cử tri đòi hỏi yêu cầu phải nắm chắc kiến thức, trong khi tôi chưa có nhiều thời gian hoạt động xã hội. Nhưng được nhân dân tin tưởng, ủng hộ bộ đội nên tỷ lệ phiếu bầu cho tôi rất cao”, ông Đặng Quân Thụy nhớ lại.

Là đại biểu từng tham gia tham gia 3 khóa Quốc hội, ông Thụy nhớ nhất kỷ niệm khi cùng đoàn đại biểu Quốc hội ra thăm và làm việc ở Trường Sa. Các đại biểu Quốc hội đã nắm tình hình sinh hoạt, đời sống của lính đảo. Khi về đất liền, các đại biểu Quốc hội đã có những đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội tiếp tục quan tâm tới đời sống của bộ đội nơi đảo xa và công tác hậu phương quân đội; tăng cường tiềm lực bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Video về những kỷ niệm sâu sắc khi tham gia Quốc hội của các đại biểu Quốc hội:

Năm 2021, cùng với sự kiện trọng đại là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các thế hệ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, nguyên đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ như ông Thụy, bà Thu rất kỳ vọng vào một nhiệm kỳ Quốc hội mới với những đại biểu có trí tuệ cao, tâm huyết, sáng tạo và hành động để có nhiều đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đổi mới. Quốc hội tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước.

Nhiều đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ cho rằng, để trở thành đại biểu Quốc hội, các ứng cử viên đều phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo luật định. Tuy nhiên, còn một tiêu chuẩn khó đo đếm nhưng rất quan trọng đối với đại biểu dân cử đó là sự tâm huyết.

Bài học cốt lõi về tình đoàn kết, gần dân, trọng dân

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, những thành tựu to lớn cùng với truyền thống quý báu của chặng đường vẻ vang 75 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam sẽ tạo nền tảng quan trọng, vững chắc để Quốc hội Khóa XV và Quốc hội các khóa tiếp theo tiếp tục kế thừa, phát huy, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo hiến định, luật định.  

Đặc biệt là những bài học xuyên suốt, cốt lõi, còn nguyên giá trị, mang tính thời đại về sức mạnh đoàn kết; tư tưởng trọng dân, gần dân, thân dân, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nắm chắc lý luận, bám sát thực tiễn, “biến nguy thành cơ”...

Với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 76 năm ra đời, xây dựng và phát triển, 35 năm đổi mới, đất nước ta đang vững tin bước vào một giai đoạn phát triển mới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tới đây sẽ thông qua nhiều văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ gắn với từng dấu mốc quan trọng của đất nước như: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của đất nước nói chung và của Quốc hội nói riêng là rất nặng nề, đòi hỏi hoạt động của Quốc hội cần tiếp tục được đổi mới, cải tiến để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

“Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, với sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và sự ủng hộ, chia sẻ, giám sát của cử tri, nhân dân cả nước, Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đổi mới, thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng của toàn dân tộc”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Bài, video: Nguyễn Viết Tôn/Báo Tin tức
75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam: Những giá trị lịch sử
75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam: Những giá trị lịch sử

Ngày 6/1/1946 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước ta khi lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa chọn, bầu những người có tài, có đức vào Quốc hội để gách vác công việc nước nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN