75 năm Quốc hội Việt Nam: Khẳng định bản lĩnh, nâng tầm vị thế

Chỉ sau mấy tháng giành độc lập, ngày 6/1/1946, lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình, trực tiếp lựa chọn những người có tài, có đức vào Quốc hội để gánh vác việc nước nhà.

Từ đó đến nay, 75 năm trôi qua, Quốc hội Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, góp phần tích cực vào thành công của hoạt động ngoại giao, khẳng định bản lĩnh và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh chứng kiến Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký lệnh công bố Hiến pháp mới (1/1/1960). Ảnh: TTXVN

Những dấu ấn sâu sắc về Ngoại giao Nghị viện

Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, Quốc hội Việt Nam đã để lại những dấu ấn sâu sắc về Ngoại giao Nghị viện. Sau khi thành lập, Quốc hội nước ta đã cử một phái đoàn, do Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội Phạm Văn Đồng dẫn đầu, sang thăm Pháp để làm cho người dân Pháp hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Tiếp sau đó, Quốc hội cũng cử nhiều đoàn đại biểu đi thăm các nước để củng cố tình hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam với các nước.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, công tác Ngoại giao Nghị viện càng có điều kiện được triển khai liên tục, tính chủ động, hiệu quả từng bước được nâng lên rõ rệt, góp phần giúp Quốc hội làm tốt nhiệm vụ hoàn thiện luật pháp Việt Nam liên quan đến công tác đối ngoại; phê chuẩn kịp thời những điều ước quốc tế mà Chính phủ đã ký kết và nâng cao chất lượng đối ngoại nghị viện cả về song phương lẫn đa phương, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của nước ta sâu rộng hơn nữa.

Quốc hội Việt Nam đã chủ động tham gia hoạt động tại các tổ chức liên nghị viện quốc tế và khu vực, các diễn đàn liên nghị viện, các tổ chức nghị sĩ hữu nghị, thực hiện những thỏa thuận hợp tác, các chuyến trao đổi đoàn giữa Việt Nam và nhiều quốc gia. Hiện nay, Quốc hội Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn liên minh nghị viện khu vực và thế giới, như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng Nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA), Tổ chức Nghị viện Pháp ngữ (APF), Hội đồng Nghị viện châu Á (APA) và nhiều diễn đàn chuyên đề hoặc các cơ chế hợp tác liên minh nghị viện vùng, như: Hội nghị thường niên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam.

Cùng với việc gia nhập IPU, APA, AIPA, Quốc hội Việt Nam cũng lần lượt tham gia nhiều cơ chế hợp tác liên nghị viện khác, như: Cơ chế hợp tác liên nghị viện của Tổ chức Hợp tác kinh tế APEC; Liên minh Nghị sĩ châu Á-Thái Bình Dương (APPU); Tổ chức Các nghị sĩ ngành Y quốc tế; Diễn đàn Nghị sĩ châu Á về dân số và phát triển; Diễn đàn Nghị sĩ châu Á-Thái Bình Dương về môi trường và phát triển.

Năm 2002, Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng của Tổ chức liên nghị viện ASEAN (AIPO) mang đậm dấu ấn Việt Nam. Với những đổi mới trong công tác tổ chức và điều hành, sự kiện này đã thể hiện rõ quyết tâm hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam.

Đặc biệt, Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132) tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 28/3 đến 1/4/2015, là sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của Quốc hội nước ta. Tại sự kiện này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được Đại hội đồng nhất trí bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132 với số phiếu tuyệt đối. Đây là một trọng trách hết sức to lớn, nặng nề nhưng cũng rất đáng tự hào.

Kết thúc IPU-132, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đánh giá cao sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đồng thời là Chủ tịch IPU-132. Ông Saber Chowdhury cho rằng, công tác tổ chức của nước chủ nhà đã vượt hơn cả mong đợi; kết quả đạt được của Đại hội đồng IPU-132 tại Việt Nam đã nâng tầm giá trị của IPU, góp phần định hình xu hướng mới trong hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới, trong đó tập trung vào giải pháp và hành động hơn là chỉ dừng lại nhận định tình hình, thực sự biến lời nói thành hành động...

Tại IPU-133, Việt Nam là một trong hai quốc gia đại diện cho các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2019. Với tư cách là đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Ban Chấp hành IPU, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò và vị thế quốc gia nói riêng và của khu vực nói chung tại diễn đàn liên Nghị viện lớn nhất thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Nhà nước vì lợi ích quốc gia, đồng thời hài hòa với lợi ích của khu vực và thế giới.

Năm 2020 - Dấu ấn đặc biệt trong lịch sử hoạt động Quốc hội

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA-41 phát biểu tại cuộc Đối thoại giữa các Nhà lãnh đạo ASEAN và AIPA dưới hình thức trực tuyến, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, tại Hà Nội, chiều 26/6/2020. Ảnh: TTXVN

Năm 2020 đi vào lịch sử không chỉ của Việt Nam mà đối với cả nhân loại vì sự xuất hiện đầy bất ngờ của đại dịch COVID-19. Mọi sinh hoạt bị đảo lộn, những hoạt động tưởng chừng như rất bình thường, đơn giản như gặp gỡ, hội họp, thảo luận… trước đại dịch đều trở nên khó thực hiện. Trong bối cảnh ấy, vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, nghị trường năm 2020 ghi dấu ấn đặc biệt bởi sự đổi mới mạnh để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Năm 2020 với hai Kỳ họp thứ 9 và thứ 10, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả 3 nội dung lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đặc biệt, với vai trò Chủ tịch AIPA 41, Quốc hội Việt Nam chủ động đề xuất họp Đại hội đồng qua hình thức trực tuyến (từ ngày 8 đến 10/9/2020) và đề xuất các hình thức xây dựng nghị quyết chương trình nghị sự đã ghi dấu ấn và tạo nên một cách tổ chức hoàn toàn mới, sẽ được áp dụng nhiều trong thời gian tới đối với một số hoạt động của AIPA.

Chủ đề đưa ra tại các Ủy ban, Hội nghị Nữ Nghị sỹ, Hội nghị (không chính thức) Nghị sỹ trẻ AIPA và các Nghị quyết tại Đại hội đồng đã bám sát chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020 “gắn kết và chủ động thích ứng”, phù hợp với tình hình thực tiễn, thể hiện sự đồng hành và hỗ trợ của AIPA đối với ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến, ưu tiên của ASEAN trong năm 2020.

Đó là các nỗ lực phòng, chống, khắc phục hậu quả của đại dịch, thúc đẩy khôi phục an toàn các hoạt động kinh tế, duy trì sự ổn định, phát triển ở khu vực. Quốc hội Việt Nam đã phát huy vai trò dẫn dắt trong AIPA, tạo sự ủng hộ, đồng thuận cao với các Nghị viện thành viên và Nghị viện Quan sát viên AIPA với các vấn đề thuộc mối quan tâm chung của ASEAN.

Sau ba kỳ Đại hội đồng không thể tổ chức thì lần này Đại hội đồng AIPA 41 đã tổ chức được cuộc họp của Ủy ban Chính trị, đây là kết quả rất quan trọng.

Đặc biệt, với sáng kiến của Việt Nam kể từ Đại hội đồng AIPA 41 có Hội nghị nghị sỹ trẻ AIPA, Hội nghị quan hệ đối tác nghị viện vì phát triển bền vững trong khuôn khổ AIPA. Hai sáng kiến này của Quốc hội Việt Nam được toàn thể các Nghị viện thành viên ủng hộ, đồng tình.

Những nội dung của Năm Chủ tịch AIPA 2020, Đại hội đồng AIPA 41 đã mở ra cho AIPA xác định một Tầm nhìn chiến lược của AIPA cho 5-10 năm tới, khẳng định vai trò của Ngoại giao Nghị viện khu vực và quốc tế, góp phần vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển, Cộng đồng của người dân, hướng tới người dân, hòa bình và thịnh vượng.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 20/10/2020. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Trong năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 17 luật, 34 nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý để đất nước phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng. Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Các Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức (ILO) được ban hành đã đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...

Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, năm 2020, Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn. Quốc hội ngày càng đổi mới, hoàn thiện, thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, nơi gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Hoàng Yến/TTXVN (Tổng hợp)
Thủ tướng dự gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng Tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam
Thủ tướng dự gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng Tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

Ngày 3/1, tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2021) và Tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 20210 do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN