Thống nhất cơ quan xây dựng pháp luật
Thảo luận tại tổ 17 về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), các đại biểu tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), có 8 chương, 72 điều, giảm 101 điều so với Luật hiện hành mặc dù phạm vi điều chỉnh được mở rộng hơn bao hàm một số nội dung về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật.
Phát biểu tại tổ 17, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho ý kiến về Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Bộ trưởng Trần Hồng Minh đặt vấn đề: Vì sao luật ở một số nước có tính ổn định, lâu dài tới vài chục năm hay cả trăm năm như: Mỹ, Nhật… và ít khi phải sửa luật?.
Quốc hội thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ là cơ quan xây dựng pháp luật, chế độ, chính sách và có các ủy ban để thẩm định các vấn đề đặt ra. Tuy nhiên, việc xây dựng pháp luật hiện nay của Chính phủ vẫn theo hướng mạnh cơ quan nào cơ quan ấy làm và để Quốc hội thẩm định. Trong khi về chức năng nhiệm vụ, cơ quan của Chính phủ là nơi thực thi pháp luật. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, góc độ này chưa chuẩn. Dẫn đến việc khi các Bộ xây dựng luật bị chồng chéo và liên tục phải sửa đổi, bổ sung. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, muốn làm tốt nên theo quy định hiến pháp. Quốc hội phải thực sự là cơ quan lập pháp.
Video Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh chia sẻ:
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, luật cần ngắn gọn, giảm các Nghị định và Thông tư dưới luật để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Việc sửa các văn bản quy phạm pháp luật cần phát huy vai trò chuyên trách của các Đại biểu Quốc hội. Cần tập trung công tác xây dựng quy phạm văn bản pháp luật về một cơ quan, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, có người chỉ huy trực tiếp và chịu trách nhiệm.
Làm rõ giữa tham vấn và xin ý kiến
Đại biểu Hoàng Hữu Chiến, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, so với luật hiện hành, điểm mới của dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) là quy định về tham vấn chính sách. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ giữa vấn đề “tham vấn chính sách” và vấn đề “lấy hoặc xin ý kiến”.
“Nếu không làm rõ hai vấn đề này sẽ gây khó khăn cho các cơ quan lấy ý kiến và các cơ quan được tham vấn. Theo quy định của luật hiện nay, chỉ được tham vấn các cơ quan như Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan ngang bộ đối với chính sách. Như vậy sẽ khó “tham vấn rộng hơn, mở hơn”. Trong khi đó, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan ngang bộ cũng là đối tượng xin ý kiến”, đại biểu Hoàng Hữu Chiến phân tích.
Do đó, đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề nghị làm rõ khái niệm “tham vấn” trong phần giải thích từ ngữ tại Điều 3 của dự thảo Luật để bảo đảm tính độc lập, minh bạch, giúp ích cho các cơ quan xây dựng chính sách.
Về hình thức tham vấn chính sách, đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nên mở rộng hình thức tham vấn. Đơn cử, không phải lúc nào chuyên gia quốc tế cũng có thể dự họp để tham vấn chính sách, trong thời đại công nghệ thông tin, nên linh hoạt hơn về hình thức, phương pháp tham vấn chính sách để đem lại hiệu quả tốt hơn.
Do đó, tại Điều 30 của dự thảo Luật quy định về lấy ý kiến, tham vấn chính sách, đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề nghị nên tách riêng vấn đề lấy ý kiến (gồm quy trình, thủ tục, đối tượng), cũng như vấn đề tham vấn chính sách; đồng thời, nên nghiên cứu thêm về kỹ thuật lập pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, mục đích, bản chất của tham vấn là tạo sự đồng thuận và quá trình tham vấn chính sách là quá trình liên tục, từ khi phát hiện thực tiễn, hình thành ý định về chính sách, đến khi hoạch định chính sách, bàn và thông qua chính sách, sau đó đưa ra luật về chính sách. Việc này do các cơ quan hoạch định chính sách (như cơ quan của Quốc hội, Chính phủ hoặc của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…). Cần phải rành mạch giữa tham vấn và xin ý kiến.