Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV:

Đại biểu Quốc hội băn khoăn về phân bổ kinh phí công đoàn 2%

Sáng 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, về quản lý sử dụng tài chính công đoàn, dự thảo Luật đã kế thừa và giữ nguyên đối tượng, mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành. Việc giữ ổn định quy định và nghĩa vụ nộp kinh phí công đoàn 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thực hiện từ năm 1957 đến nay, nhằm đảm bảo phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo bảo vệ đoàn viên, người lao động, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Chú thích ảnh
Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) phát biểu tại phiên thảo luận.

Về công khai tài chính công đoàn, dự thảo Luật quy định: Các cấp công đoàn thực hiện công khai tài chính hàng năm tại hội nghị Ban chấp hành công đoàn và bằng hình thức niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan tổ chức, đơn vị, phát hành ấn phẩm hoặc thông báo bằng văn bản tới cơ quan tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan, đưa lên trang thông tin điện tử thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đại biểu Âu Thị Mai cũng nhìn nhận, việc công khai tài chính của các cấp công đoàn trên các phương tiện thông tin đại chúng là không phù hợp, do đó ban soạn thảo cần cân nhắc vấn đề trên. Để việc công khai tài chính đạt hiệu quả cao, đảm bảo tính công khai minh bạch, đề nghị ban soạn thảo quy định việc công khai tài chính hàng năm thông qua hội nghị toàn thể đoàn viên công đoàn của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Về nguồn tài chính công đoàn tại điều 29 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) tán thành việc quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, cần quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng nêu quan điểm, việc quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở là nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động, nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như khoản 2 Điều 30 dự thảo, chỉ nên quy định đó là tỷ lệ “tối thiểu” và tỷ lệ “tối đa”.  

“Cần xem xét quy định kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 điều 29 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay.

Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), việc thu kinh phí công đoàn bằng 2% là điều kiện tiên quyết để công đoàn chủ động, độc lập hơn trong tổ chức, hoạt động tại cơ sở và nên giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) phát biểu.

Việc này sẽ giúp cho công tác quản lý Nhà nước về tài chính công đoàn “minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh được thất thoát, lãng phí”. Điều này cũng khắc phục được tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của Công đoàn. 

“Quy định như vậy sẽ thống nhất quản lý Nhà nước về thu, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Tổng Liên đoàn sẽ hướng dẫn triển khai, thực hiện, thay vì phải thực hiện cả quy định của Chính phủ và cả quy định của Tổng Liên đoàn như trong dự thảo”, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho hay.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, thu phí công đoàn là vấn đề không dễ quyết định dễ dàng, nếu như không có sự xem xét cẩn trọng, thấu đáo và nghiên cứu thực tế đầy đủ. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) phát biểu tại phiên thảo luận.

Nếu như theo dự thảo, mọi người lao động có hợp đồng lao động, chủ doanh nghiệp có trách nhiệm phải trích 2% quỹ tiền lương để nộp cho cho công đoàn Việt Nam. Thực tế hiện nay, phần lớn các chủ doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam mong muốn sẽ hoạt động phù hợp với luật pháp và thông lệ của đất nước, phần lớn doanh nghiệp cũng chấp hành việc trích 2% này. Thế nhưng, vẫn có một số doanh nghiệp, số công nhân tham gia tổ chức công đoàn không phải là 100%. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thành lập được tổ chức công đoàn. 

“Nếu quy định mặc nhiên khoản 2% nộp cho tổ chức chức công đoàn là điều cần cân nhắc và xem xét đảm bảo phù hợp với thực tế và có tính khả thi”, đại biểu Trần Khánh Thu nêu.

Thu Trang/Báo Tin tức
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Ngày 18/6, Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 19 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo chương trình buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN