Cử tri tỉnh Phú Yên mong có giải pháp phù hợp để kiểm soát dịch COVID-19

Qua theo dõi phiên thảo luận chiều 8/11 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Phú Yên bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao các nội dung thảo luận tại hội trường. Các cử tri cũng có nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn gửi đến nghị trường Quốc hội.

Cần dự báo tình hình dịch COVID-19 tốt hơn

Chú thích ảnh
Cử tri Lê Văn Ba (phường 9, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) kiến nghị Chính phủ có dự báo về tình hình dịch COVID-19 để người dân tiện nắm bắt. 

Đến nay, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tỉnh Phú Yên tự xác định ở cấp độ 1 về dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Mặc dù vậy, cử tri vẫn mong muốn Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Cử tri Lê Văn Ba (Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Ninh Tịnh 2, Phường 9, thành phố Tuy Hòa) nêu rõ: Việc phòng, chống dịch COVID-19 được áp dụng như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong đi lại, sinh hoạt và phát triển kinh tế. Song tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch nếu không kiểm soát tốt biến động dân cư từ vùng dịch trở về địa phương. Chính phủ cần dự báo sớm tình hình dịch COVID-19, có giải pháp kiểm soát tốt hoạt động đi lại của người dân từ vùng dịch. Thực tế, tại tỉnh Phú Yên nếu công dân được đưa, đón về có kế hoạch thì không có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Việc dự báo tình hình dịch COVID-19 cần được công bố thường xuyên cho người dân nắm bắt.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về việc "liên kết vùng trong phòng, chống dịch COVID-19", cử tri Phạm Đoàn Anh Kiệt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên, nêu quan điểm: Thời gian qua, Chính phủ đã rất quyết tâm trong phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều địa phương cũng có sự sáng tạo trong dập dịch, từ đó tạo điều kiện sớm khôi phục trạng thái "bình thường mới". Vai trò của công nghệ và sự liên kết giữa các địa phương lân cận cần được xem trọng trong phòng dịch COVID-19.

Hiện nay, phần mềm PC-COVID là ứng dụng thống nhất về phòng, chống dịch COVID-19 của cả nước nhưng lại chưa được sử dụng thống nhất ở tất cả các địa phương. Vì vậy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có chỉ đạo cụ thể để thực hiện. Việc chưa thống nhất trong sử dụng các ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 tạo sự phiền nhiễu, gây khó khăn cho người dân đã được báo chí phản ánh nhiều nhưng chưa được khắc phục triệt để. Hơn nữa, việc cập nhật các dữ liệu thông tin của từng cá nhân còn nhiều bất cập nên khó trong việc sử dụng.

Thêm các gói hỗ trợ cho người lao động

Chú thích ảnh
Cử tri Nguyễn Đắc Tấn (phường 8, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) kiến nghị Quốc hội có thêm các gói hỗ trợ người dân. 

Trong phiên thảo luận chiều 8/11, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và đề xuất với Quốc hội, Chính phủ là tăng thêm các gói hỗ trợ an sinh cho người lao động; hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp tái sản xuất sau đại dịch COVID-19. Đây cũng là nội dung được nhiều cử tri của tỉnh Phú Yên đồng tình ủng hộ và mong Quốc hội, Chính phủ sớm có kế hoạch thực hiện cụ thể.

Qua theo dõi ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, cử tri Nguyễn Đắc Tấn (cán bộ hưu trí tại Phường 8, thành phố Tuy Hòa) nêu đề nghị: Vừa qua, các gói an sinh theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ người dân và lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Các chính sách này đã tạo niềm tin cho nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Mặc dù vậy, để sớm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái "bình thường mới" cần có thêm sự hỗ trợ về nguồn vốn ưu đãi để doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Đây là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động bị mất việc trong dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Chính phủ và các địa phương cần thu hút thêm đầu tư để giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ.

Là người có kinh nghiệm thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở, ông Lê Văn Ba (Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Ninh Tịnh 2, Phường 9, thành phố Tuy Hòa) kiến nghị: Chính phủ cần mở rộng Nghị quyết 68/NQ-CP để nhiều lao động tự do, hộ kinh doanh nhỏ (không có đăng ký kinh doanh) được nhận gói hỗ trợ vì hiện còn có rất nhiều người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Chính quyền địa phương nên tạo điều kiện giải ngân để các gói hỗ trợ sớm đến với người dân. Thủ tục nhận hỗ trợ phải đơn giản và tăng cường sự giám sát của nhân dân để tránh tình trạng trục lợi chính sách. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội phải có gói tín dụng với mức vốn ưu đãi để người dân vay vốn tái sản xuất. Những định hướng trong việc đảm bảo an sinh, tạo việc làm được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra ở phần phát biểu thêm là rất cần thiết và cần sớm được thực hiện.

Tin, ảnh: Xuân Triệu (TTXVN)
Kiên định nguyên tắc phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội
Kiên định nguyên tắc phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, dự báo hết quý I và đầu quý II/2022, nếu không có diễn biến phức tạp, khả năng phục hồi trở lại của thị trường lao động như bình thường là điều có thể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN