Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế

Chiều 8/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc tại Hội trường với nội dung thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội. Đây cũng là những vấn đề được cử tri TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, bởi trong thời gian qua đầu tàu kinh tế của cả nước là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cử tri Vũ Trung Kiên, giảng viên Học viện Chính trị khu vực II, nhất trí với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi cho rằng đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt xã hội nước ta, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Dịch không chỉ làm tổn thất lớn kinh tế mà còn gây ra những xáo trộn về mặt xã hội cho các tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương vốn là những địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có đóng góp ngân sách lớn nhất cho Trung ương,

Đồng ý với ý kiến của đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức (Cao Bằng), ông Vũ Trung Kiên đánh giá, Chính phủ đã có nhiều biện pháp thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để giúp nền kinh tế quay trở lại vận hành bình thường trong điều kiện mới. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch vừa qua có một số vấn đề cần quan tâm, rút kinh nghiệm cho thời gian tới. Đó là vấn đề lo an sinh xã hội; nhà ở, chăm sóc sức khỏe cho người dân, chăm sóc các mặt đời sống cho người lao động nhập cư.

Một vấn đề nữa là việc nâng lương cho người lao động cần có sự hài hòa giữa doanh nghiệp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Vì vậy, Nhà nước cần tác động bằng các chính sách cụ thể như thu thuế rồi tiết kiệm ngân sách, giảm chi vào những công trình chưa thực sự thiết yếu để tập trung quỹ chăm lo an sinh xã hội, nhà ở cho người lao động.

Theo ông Vũ Trung Kiên, 9 tháng của năm 2021, do dịch bệnh nên nền kinh tế chỉ tăng trưởng khoảng 1,42% (năm 2020 tăng 2,45%). Mặc dù diễn biến dịch còn phức tạp nhưng với độ phủ vaccine như hiện nay, Việt Nam sẽ khống chế, thích ứng được với dịch bệnh.

Trong thời gian tới có 3 thách thức cần khắc phục: Thứ nhất là phải khống chế được dịch bệnh; chăm lo về an sinh xã hội, nhà ở cho người lao động. Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo ra một thể chế, môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi. Thứ ba, để cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng và tạo việc làm phải đẩy nhanh vốn đầu tư công, vì thế cần quan tâm đến vấn đề lạm phát và phòng, chống tham nhũng.

“Theo dự báo, kinh tế Mỹ và Trung Quốc có khả năng đạt tăng trưởng cao. Đó cũng là một điều kiện giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khi chúng ta có sự kết nối thương mại rất tốt với Mỹ và Trung Quốc. Những khó khăn do dịch COVID-19 là khó khăn chung không chỉ đối với một quốc gia nào, quan trọng là qua đó giúp chúng ta nhìn nhận lại, đưa ra giải pháp phù hợp để chúng ta ổn định và tăng trưởng trong thời gian tới”, ông Vũ Trung Kiên nhấn mạnh. 

Cùng mối quan tâm về phát triển kinh tế trong giai đoạn "bình thường mới", cử tri Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, cho rằng sau một thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Nhà nước nên ưu tiên, đẩy mạnh các chính sách phi kinh tế không gây áp lực về phía Nhà nước, ví dụ như cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư, sản xuất.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động kiểm soát dịch tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vừa giảm bớt chi phí sử dụng cho phòng, chống dịch vừa có thể chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; giám sát các ngân hàng thương mại thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm miễn lãi xuất, phí và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay của doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 gây ra; tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp để hỗ trợ nhau về thông tin, giải quyết khó khăn nguồn hàng, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng...

Có chung ý kiến với đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội), bà Lưu Thị Thanh Mẫu cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường áp dụng công nghệ số, nhất là trong lĩnh vực thủ tục hành chính, ưu tiên sử dụng các dữ liệu đã có, tích cực thu thập các dữ liệu mới dần dần thực hiện công việc giữa các cơ quan nhà nước; giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và người dân trên nền tảng công nghệ số. Việc áp dụng các giải pháp này có thể giảm chi phí và hạn chế lây lan dịch, góp phần kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới.

Là lãnh đạo doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, cử tri Lưu Thị Thanh Mẫu bày tỏ mong muốn rằng trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, chính quyền thành phố sớm có chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại thành phố được tiêm vaccine, giúp doanh nghiệp có lực lượng lao động cần thiết đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như bảo đảm an toàn lao động trong doanh nghiệp. Mặt khác, chính quyền thành phố cũng cần có kế hoạch tiêm ngừa cho các shipper, tiểu thương…; lập đội phản ứng nhanh từng điểm sản xuất để ứng phó với tình hình dịch bệnh trong điều kiện "bình thường mới", nhưng nguy cơ dịch bệnh lây lan vẫn còn tiềm ẩn.

Xuân Khu - Xuân Anh (TTXVN)
Những quyết sách đúng đắn là nền tảng quan trọng để phục hồi kinh tế
Những quyết sách đúng đắn là nền tảng quan trọng để phục hồi kinh tế

Hơn 6 tháng qua, “cơn bão” COVID-19 lần thứ tư bùng phát đã tạo ra những sóng gió, thử thách chưa từng có, gây ra những hệ lụy, mất mát lớn, làm đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN