Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV:

Những quyết sách đúng đắn là nền tảng quan trọng để phục hồi kinh tế

Hơn 6 tháng qua, “cơn bão” COVID-19 lần thứ tư bùng phát đã tạo ra những sóng gió, thử thách chưa từng có, gây ra những hệ lụy, mất mát lớn, làm đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho địa phương

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch COVID-19 xâm nhập sâu và diễn biến phức tạp tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn, nhất là TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương, Long An…

Chú thích ảnh
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH Đồng Nai) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, GRDP của TP Hồ Chí Minh giảm 4,98% và tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 17,4% so với cùng kỳ; còn tại Đồng Nai và Bình Dương, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng trưởng chậm. Cụ thể, tại Đồng Nai, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ chỉ tăng 1,12% và chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,91% so với cùng kỳ (trong khi bình quân cả nước tăng 4,45%), đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua; thu hút vốn đầu tư trong nước chỉ bằng 52% so với cùng kỳ; gần 900 doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động và giải thể. Còn tại Bình Dương, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ chỉ tăng 1,9% và chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ; đã có 435 doanh nghiệp giảm vốn và giải thể.

Dự báo, Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh đều không đạt được kế hoạch tăng GRDP của năm 2021. Bên cạnh đó, hàng triệu lao động đã rời bỏ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An gây ra sự thiếu hụt lao động.

“Ngoài thiệt hại kinh tế, các tỉnh thành này còn chịu tổn thương nặng nề về sức khỏe, tinh thần của người dân và thương hiệu địa phương... Có thể nói, các tỉnh thành này vừa trải qua cơn bạo bệnh, căng mình trong “cơn sốt cao” kéo dài nhiều tháng và hiện nay, mọi nguồn lực để tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế như một cơ thể đã lao lực, cần được bồi bổ, dưỡng thương, cần được hỗ trợ, ưu tiên nguồn lực để vực dậy và dần hồi phục”, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng cho hay.  

Trong các quyết sách phục hồi, tái cơ cấu và phát triển kinh tế đất nước mà Quốc hội đang bàn thảo, một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Qua đó, giúp các địa phương có nguồn lực phục hồi kinh tế bởi đây là những nơi bị dịch bệnh tàn phá nặng nề nhất, đồng thời đây là những tỉnh, thành trọng điểm về phát triển khu công nghiệp, có năng suất lao động cao nhất, đóng góp lớn cho kinh tế, ngân sách của đất nước (45%), ngân sách Trung ương.

Các đại biểu cho rằng, khi tỷ lệ điều tiết được nâng lên, các tỉnh thành này sẽ có nguồn lực để phục hồi, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và khó đoán định, đồng thời chủ động ứng phó với các tác động khác.

Quyết sách này cùng với việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ hiện có và các gói kích thích kinh tế ban hành sẽ giúp các địa bàn kinh tế trọng điểm phục hồi về kinh tế, tạo tác động lan tỏa và kéo theo tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Nam cũng như cả nước. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế số, tăng cường đầu tư hạ tầng kết nối liên vùng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, đặc biệt là tạo điểm tựa cho hàng triệu lao động nhập cư.  

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn ĐBQH Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ, nhằm tăng cường nguồn lực thực hiện Nghị quyết phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, ưu tiên cho việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với các giải pháp hỗ trợ nông dân khu vực đồng bằng, giải bài toán khó về giá cả, chất lượng đầu vào, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, thực phẩm.

Được biết, một trong những mục tiêu sau đại dịch của TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương là khẩn trương xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ, Đồng Nai phấn đấu xây dựng khoảng 6.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030, còn Bình Dương dự kiến tăng thêm khoảng 2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức và áp lực lớn đối với kế hoạch ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 - 2024. Tuy nhiên, để tạo nguồn lực phục hồi cho các địa phương bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, nhiều đại biểu đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân đối tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương này với mức hợp lý.

Sớm ban hành chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho rằng, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư diễn ra ở nhiều địa phương, đánh thẳng vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, tập trung ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đã làm gián đoạn sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chú thích ảnh
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội.

Để đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 cho phép Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Trước yêu cầu của tình hình thực tiễn, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch như Nghị quyết số 128/NQ-CP với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả chống dịch COVID-19; triển khai quyết liệt, kịp thời các gói hỗ trợ về an sinh - xã hội; tập trung tìm kiếm, mua, kêu gọi tài trợ và tiêm vaccine, góp phần nâng tỷ lệ bao phủ vaccine trong cả nước, với quyết tâm thực hiện phương châm “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”. Đây là những quyết sách đúng đắn, là nền tảng quan trọng để phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh kết quả đã đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế, nguyên nhân chưa đạt được so với chỉ tiêu, Nghị quyết đề ra. Còn 4/12 chỉ tiêu không đạt. Công tác phòng, chống dịch vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, một số nơi còn có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm nên chưa lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa thực sự vững chắc; do ảnh hưởng của dịch bệnh, một lượng lớn người lao động mất việc làm, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Cử tri và nhân dân rất lo lắng việc nhiều người trở về từ các vùng bị ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ là nguy cơ của làn sóng dịch lần thứ 5. Để kiềm chế lạm phát, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 và năm 2022 trong khi sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch; sớm quyết định các gói hỗ trợ tài chính, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đầu tư phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; không để đứt gãy chuỗi cung ứng tạo đà vươn lên vượt qua giai đoạn khó khăn, thời gian thực hiện đến hết năm 2024.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong các lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, quản lý bảo về rừng, thủ tục đầu tư… trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đã được Trung ương phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, trong đó tập trung rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, phân cấp cho địa phương.  

“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành thêm cơ chế, chính sách để thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó trọng tâm là: Thí điểm các giải pháp, chính sách để thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số theo hướng khuyến khích việc ứng dụng các nền tảng công nghệ trong hoạt động của cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Đề nghị sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa có doanh thu 3 tỷ đồng/năm trở xuống được lựa chọn hình thức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 2-3% tính trên doanh thu cả năm”, đại biểu Đặng Bích Ngọc kiến nghị.

Kết luận Hội nghị lần thứ tư của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII đã  nêu những mục tiêu quan trọng trong năm 2022, trong đó có mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội..., không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn”, đồng thời trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 có thể kéo dài, cho phép xác định tỷ lệ điều tiết và số bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương. Cùng với chủ trương này, nhiều ĐBQH mong mỏi và tin tưởng Quốc hội và Chính phủ sẽ đưa ra các quyết sách phù hợp nhất, tạo tiền đề cho các địa phương và đất nước nhanh chóng phục hồi và phát triển.
Chú thích ảnh

 

Viết Tôn/Báo Tin tức
Cần bố trí đủ nguồn lực để phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Cần bố trí đủ nguồn lực để phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sát thực tiễn, phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN