Cử tri Thái Bình mong muốn sớm tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, ngày 8/11, Quốc hội thảo luận tập trung tại hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.

Phiên thảo luận đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri tỉnh Thái Bình.

Chú thích ảnh
Cử tri Phạm Mạnh Hùng theo dõi phiên thảo luận qua màn ảnh nhỏ. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128

Theo dõi phiên thảo luận qua truyền hình, cử tri Phạm Mạnh Hùng (thôn Minh Quàn, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư) cho rằng, các đại biểu đã có ý kiến đóng góp trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, đưa hơi thở cuộc sống vào nghị trường và thể hiện được tâm tư nguyện vọng của cử tri. Đặc biệt, trong phiên thảo luận sáng 8/11 công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội với nhiều kiến nghị về giải pháp phòng, chống dịch được cử tri đánh giá cao.

Cử tri Phạm Mạnh Hùng cho rằng, đại dịch COVID-19 để lại quá nhiều mất mát, tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống. Đến nay, nước ta đã có trên 968.000 ca bệnh và trên 22.000 ca tử vong. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn này cho thấy sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết dân tộc, sự nỗ lực của các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch cũng như nhiều giải pháp phòng, chống dịch sáng tạo, chưa từng có trong tiền lệ mang lại hiệu quả, góp phần kiểm soát dịch bệnh.

Theo cử tri Phạm Mạnh Hùng, việc chuyển tư duy từ chính sách “Zero COVID-19” sang chính sách chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt là một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch của nước ta, được thể hiện cụ thể tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Nghị quyết đã góp phần “cởi trói” về tư duy, tạo ra cơ chế, động lực để phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19, đồng thời kiểm soát dịch hiệu quả. Việc ban hành, thống nhất chính sách phòng, chống dịch rất cấp thiết, tránh tình trạng mỗi địa phương phòng, chống dịch một kiểu, “ngăn sông, cấm chợ”, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cử tri cũng đánh giá cao công tác ngoại giao vaccine, các chính sách an sinh xã hội, các gói cứu trợ kích thích phát triển kinh tế mà Đảng, Nhà nước đang tích cực triển khai. Theo cử tri Phạm Mạnh Hùng, để kiểm soát dịch bệnh cần thực hiện tốt Nghị quyết 128 để thích ứng an toàn với dịch COVID-19, đồng thời tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, qua đó giảm tỷ lệ người mắc và tử vong. Cũng cần đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng về “thích ứng an toàn, linh hoạt”, tránh tư tưởng lơ là, chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Còn theo cử tri Hoàng Thị Lan Phương (phường Quang Trung, Thành phố Thái Bình) để kiểm soát dịch COVID-19, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa nguồn lực cho y tế cơ sở, nhất là hệ thống y tế xã, phường, thị trấn. Bởi đây là “cánh tay nối dài” của ngành y tế nói chung, góp phần thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, trước mắt là trong các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.  Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước nhằm chủ động nguồn cung vaccine.

Tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp

Từ thực tế của tỉnh Thái Bình với khoảng 80% dân số gắn bó với nông nghiệp, cử tri Phạm Văn Huyền (xã Bình Minh, huyện Kiến Xương) cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có chính sách hiệu quả hơn nữa trong kiểm soát giá, nhất là giá phân bón. Chỉ tính riêng cây lúa, trung bình mỗi năm nông dân tỉnh Thái Bình sử dụng khoảng 140.000 tấn phân bón các loại. Trong khi thực tế từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng, cá biệt có loại tăng gấp đôi khiến chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, chưa kể các yếu tố thời tiết thiên tai bất lợi khiến nông dân không còn “mặn mà” với ruộng đồng. Đồng thời, cử tri kiến nghị cần có giải pháp cụ thể, đồng bộ nhất là việc đẩy mạnh liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, hạn chế chuyện “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa” hoặc chuyện “giải cứu” nông sản diễn ra khá nhiều trong thời gian qua.

Mặt khác, cử tri Phạm Văn Huyền cho rằng, hiện nay hầu hết thanh niên lao động trẻ đi vào làm tại các công ty, xí nghiệp hoặc thoát ly khỏi nông thôn; lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn lại hầu hết là người lớn tuổi, chất lượng không cao. Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ cần xem xét, tính toán đến bài toán lao động tại nông thôn và trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới. Cử tri cũng cho rằng, để xây dựng nền nông nghiệp bền vững rất cần có sự tham gia của doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, trong đó phải thể hiện vai trò dẫn dắt, định hướng của Nhà nước.

Thu Hoài – Thế Duyệt (TTXVN)
Truy xuất nguồn gốc nông sản: Lời giải để có nền nông nghiệp không ‘mù mờ’
Truy xuất nguồn gốc nông sản: Lời giải để có nền nông nghiệp không ‘mù mờ’

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan từng đưa ra ý kiến: “Một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu”. Trước thực tế này, các chuyên gia ngành nông nghiệp và khoa học công nghệ đều khẳng định việc truy xuất nguồn gốc được coi là một trong những giải pháp để bảo đảm tính minh bạch hóa của toàn bộ chuỗi cung ứng cho nông sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN