Đây là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính theo quy định hiện hành. APCI 2018 ra đời đánh dấu hai năm điều hành của Chính phủ đương nhiệm với quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như thúc đẩy đầu tư trong nước, thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Báo cáo dựa trên nền tảng thông điệp của “Chính phủ kiến tạo” để phân tích những thành tựu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ trong năm vừa qua và xác định dư địa cải cách cho 8 nhóm thủ tục hành chính quan trọng cho doanh nghiệp gồm: khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; thuế; đầu tư; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; hải quan; đất đai; môi trường và xây dựng.
Thủ tục xây dựng là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp
Qua thu thập thông tin về gánh nặng chi phí của doanh nghiệp được thực hiện trực tiếp với 3.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh/ thành phố đã thực hiện thủ tục hành chính trong 6 tháng cuối năm 2017 cho thấy, một bức tranh chân thực và sinh động về chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành: chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện thủ tục xây dựng là 64,1 triệu đồng.
Với thủ tục thuế, con số này chỉ là 73,75 nghìn đồng. Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), chi phí tuân thủ của thủ tục xây dựng là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp.
Quán quân của bảng xếp hạng chỉ số APCI2018 là nhóm thủ tục thuế với chi phí tuân thủ là 73,75 nghìn đồng. Trong đó, thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục trong nhóm thủ tục này chỉ là 2,9 giờ làm việc. Chi phí tuân thủ trung bình của thủ tục thuế chỉ tương đương với 0,58% chi phí tuân thủ trung bình của 8 nhóm thủ tục hành chính được khảo sát (khoảng 12,7 triệu đồng), tương đương với 0,1% chi phí tuân thủ trung bình của nhóm có chi phí tuân thủ cao nhất là nhóm thủ tục xây dựng.
Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018 là nhóm thủ tục khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh với chi phí tuân thủ là 720,7 nghìn đồng. Trong đó, thời gian thực hiện được ghi nhận là 10,5 giờ làm việc của doanh nghiệp. Nhóm thủ tục hải quan đứng ở vị trí thứ 3 và vị trí thứ 4 là nhóm thủ tục đất đai. Đứng thứ năm trong bảng xếp hạng là nhóm thủ tục trọng tâm của cải cách từ 2017 - nhóm thủ tục giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh.
Từ thứ hạng 6 đến thứ hạng 8 là ba nhóm thủ tục đầu tư, môi trường và xây dựng; trong đó, nhóm thủ tục xây dựng đứng sau cùng trong bảng xếp hạng với chi phí tuân thủ là 64,1 triệu đồng, gấp rất nhiều lần nhóm thủ tục quán quân của APCI 2018. Mặc dù về chi phí thời gian, nhóm thủ tục này không nằm ở mức cao nhất (103,9 giờ làm việc và 2,15 triệu đồng) nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục này trở nên đắt đỏ bậc nhất.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng chi phí trung bình trong cả nước của một thủ tục hành chính nhóm xây dựng là 64,1 triệu đồng. Tuy nhiên, ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, chi phí này lên tới 146,7 triệu đồng, gấp gần 2,3 lần so với mức chi phí trung bình trên cả nước. Trong khi đó, chi phí tuân thủ ở khu vực phía Nam lại chỉ tương đương 20% mặt bằng chung cả nước (12,6 triệu đồng). Khi xét đến từng địa phương cụ thể, tỉnh có mức chi phí tuân thủ lớn nhất vượt mức chi phí tuân thủ trung bình cả nước 4 lần và gấp địa phương có mức chi phí tuân thủ nhỏ nhất 20,5 lần.
Sự khác biệt về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính giữa các vùng miền, địa phương và tỉnh thành chủ yếu là do cách thức tổ chức thực hiện và hành vi của các cơ quan chính quyền cấp tỉnh và địa phương. Do đặc điểm về yêu cầu áp dụng thống nhất các quy định pháp luật, những cải tiến trong quy trình, cách thức thực hiện thủ tục ở các cơ quan thực hiện thủ tục hành chính sẽ có tác động ngay tới việc cắt giảm chi phí thủ tục hành chính tại các địa phương.
Ví dụ, cùng một quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh nhưng chi phí tuân thủ của một doanh nghiệp ở Bắc Ninh khi thực hiện những thủ tục này lại có thể chỉ bằng 1/11 chi phí tuân thủ ở một tỉnh khác. Kết quả APCI 2018 đưa ra chỉ dấu rằng dư địa để tất cả các nhóm thủ tục cải thiện thông qua việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính ở cấp địa phương, từ đó giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp (và của cả cơ quan nhà nước) là rất lớn.
Chi phí cho thủ tục hành chính rất cao, nhiều loại chi phí
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, chi phí cho thủ tục hành chính bao gồm cả chi phí về thời gian, tiền của, cả chi phí trực tiếp và gián tiếp, chi phí chính thức và không chính thức. Phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp cho thấy, các chi phí này còn rất cao.
Doanh nghiệp, người dân khi làm thủ tục hành chính còn mất nhiều thời gian, đi lại nhiều lần, với nhiều loại chi phí. Vì vậy, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là Hội đồng tư vấn về cải cách thủ tục hành chính phải giúp Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt việc này.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2018, Hội đồng Tư vấn liên tục đối thoại, gặp gỡ, lắng nghe các hiệp hội, doanh nghiệp, các ngành hàng để nắm bắt thông tin từ nhiều hướng. “Chúng tôi lắng nghe cả doanh nghiệp, người dân chứ không chỉ lắng nghe từ phía cơ quan nhà nước với nhau”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng nhấn mạnh cải cách phải quyết liệt, đồng bộ từ trên xuống vì thực sự không ai muốn rời bỏ quyền lợi của mình trong thực thi công vụ. Nếu làm tốt, công khai tốt, các chi phí sẽ giảm, cả chi phí về thời gian và những khoản như bao thư lót tay, bởi chúng ta sẽ giám sát được.
Theo Bộ trưởng, khi đi kiểm tra các cơ quan áp dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến, người đi làm thủ tục hành chính “có kẹp phong bì cũng không biết đưa cho ai, vì không biết ai giải quyết thủ tục của mình”.
“Trong cải cách, không thể không có người phản đối, vì cải cách mà không có người phản đối là cải cách tồi. Nhưng chúng ta phải quyết tâm bỏ cái cũ để thay bằng cái tiến bộ, phải thuyết phục, động viên, chia sẻ với nhau. Trong quá trình làm có vấp là bình thường, nhưng không vì bất cứ lý do gì để ràng buộc việc cải cách”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cho rằng, nếu chỉ bằng ý chí, không cải cách được mà phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, cần đánh giá, nhìn nhận từ 2 chiều, cả phía các cơ quan công quyền và cả phía người dân, doanh nghiệp. “Nếu làm tốt ở các bộ, ngành Trung ương mà người dân, doanh nghiệp không hiểu, chi phí không chính thức vẫn tồn tại, vì ông nào cũng muốn công trình, dự án của mình nhanh chóng được tiếp cận, giải quyết”, ông nhìn nhận.
Ông Nguyễn Văn Thân lưu ý rằng “Con người, đạo đức, tư duy mà không thay đổi thì trời cũng không cứu được chứ đừng nói đến công nghệ thông tin. Con người và công nghệ phải tương tác với nhau, nếu làm được sẽ rất tốt”.