Sáng 10/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Căn cước công dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
* Tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của Quốc hội Luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội thông qua thay thế cho Luật Tổ chức Quốc hội năm 1997, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001. Luật gồm 7 chương, 102 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tiếp tục khẳng định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và mối quan hệ giữa Quốc hội với các thiết chế khác trong bộ máy nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Luật cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại 16 điều luật tương ứng với 3 chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã được ghi nhận tại Hiến pháp.
Luật xác lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội thay thế cho Đoàn thư ký kỳ họp theo Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Tổng Thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm.
Tổng Thư ký có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tổng Thư ký là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội có Ban Thư ký. Cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban Thư ký do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Cảnh phát biếu ý kiến tại phiên họp của Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN. |
* Đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân Luật căn cước công dân gồm 6 chương, 39 điều quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân; thẻ căn cước công dân và quản lý thẻ căn cước công dân; bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân; trách nhiệm quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Đây là cơ sở dữ liệu chung do Bộ Công an quản lý, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ để cơ quan, tổ chức kiểm tra, thống nhất thông tin về công dân.
Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại của người khác.
Luật lấy tên gọi của giấy tờ về căn cước công dân là thẻ Căn cước công dân để thay thế cho tên gọi “Chứng minh nhân dân” như hiện nay. Công dân từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân. Thẻ có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam và được dùng thay thế cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016. Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn quy định. Các giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các biểu mẫu đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019…
* Xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới Có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 5 điều của Luật hiện hành, bổ sung 1 điều, sửa kỹ thuật 1 điều, tập trung vào những vấn đề chính là chức vụ của sỹ quan; cấp bậc, quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sỹ quan; thăng quân hàm đối với sỹ quan tại ngũ; thẩm quyền quyết định đối với sỹ quan; tiền lương, nhà ở đối với sỹ quan tại ngũ.
Về chức vụ của sỹ quan, Luật đổi tên Chỉ huy trưởng Vùng Hải quân thành Tư lệnh Vùng Hải quân để phù hợp với tổ chức mới và yêu cầu chỉ huy, quản lý, xây dựng lực lượng hải quân hiện đại, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thứ tự các chức vụ cơ bản được sắp xếp từ Bộ trưởng đến Trung đội trưởng.
So với quy định hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung quy định các chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng đối với một số chức vụ của sỹ quan, đồng thời quy định cụ thể số lượng cấp phó có quân hàm là cấp tướng. Đối với cán bộ cấp phân đội, quy định cấp bậc quân hàm cao nhất của chức vụ Đại đội trưởng, Chính trị viên Đại đội là Thiếu tá; Trung đội trưởng là Đại úy để phù hợp với điều kiện thực tế…
* Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm Luật Công an nhân dân năm 2014 giữ phạm vi điều chỉnh như Luật Công an nhân dân năm 2005, theo đó, luật quy định nguyên tắc tổ chức, hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ, chính sách đối với công an nhân dân. Luật gồm 7 chương, 45 điều, so với Luật Công an nhân dân năm 2005 không thay đổi về số chương, tăng 2 điều.
Để thống nhất thực hiện chế độ nhà nước đối với lực lượng vũ trang, Luật bổ sung quy định về các trường hợp sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ Công an nhân dân đang công tác mà hy sinh, từ trần.
Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015. Quy định về phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật được công bố.
* Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp hàng không dân dụng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng với tư cách là nhà chức trách hàng không; giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; quy hoạch cảng hàng không, sân bay; khai thác vận chuyên hàng không… Luật có hiệu lực từ 1/7/2015.
Khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá dịch vụ, Luật sửa đổi, bổ sung quy định Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hành không thiết yếu; đối với giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác vẫn được điều tiết theo cơ chế thị trường do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thực hiện niêm yết công khai.
Vai trò quản lý của Nhà nước được thể hiện qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Luật cũng bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, nghĩa vụ duy trì các điều kiện và chất lượng tối thiểu dịch vụ vận chuyển; bổ sung trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp chuyến bay bị chậm, kéo dài mà không được báo trước; giao Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải quy định về thời gian chuyến bay bị chậm kéo dài và chất lượng dịch vụ tối thiểu cho hành khách tại cảng hàng không, sân bay.
* Sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (Nghị quyết 85) tiếp tục kế thừa quy định về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là những người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Đồng thời, Nghị quyết bổ sung quy định Quốc hội, Hội đồng nhân dân không lấy phiếu tín nhiệm đối với người có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Nghị quyết quy định Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.
Nghị quyết tiếp tục kế thừa quy trình lấy phiếu tín nhiệm nhưng bổ sung, làm rõ hơn trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân và báo cáo Quốc hội, Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015.
* Góp phần quan trọng bảo vệ nhân quyền, thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam Việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước chống tra tấn) là sự kiện chính trị pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo vệ nhân quyền, thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, góp phần thiết thực thực thi Hiến pháp năm 2013.
Công ước gồm lời nói đầu và 33 điều, chia làm 3 phần quy định về khái niệm tra tấn, các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tra tấn; việc thực thi, giám sát thực thi Công ước; hiệu lực, sửa đổi và giải quyết tranh chấp liên quan đến Công ước.
Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo kế hoạch về việc triển khai Công ước của Chính phủ. Dự thảo Kế hoạch đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào cuối tháng 12 hoặc chậm nhất là trong tháng 1/2015.
Nội dung của Kế hoạch nhằm xác định nội dung, lộ trình nội luật hóa các quy định của Công ước chống tra tấn, góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả phòng, chống tra tấn và các hành vi trái pháp luật khác được quy định trong Công ước; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn và các hành vi liên quan.
* Thúc đẩy và bảo vệ quyền của người khuyết tật Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật, không bảo lưu điều khoản nào của Công ước. Điều 2 của Nghị quyết nêu rõ: Nước CHXHCN Việt Nam cam kết thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật trên tất cả các lĩnh vực.
Công ước gồm 50 điều, trong đó 33 điều quy định về nội dung, 17 điều quy định về mặt hình thức (trình tự, thủ tục báo cáo, hiệu lực của Công ước).
Theo dự kiến kế hoạch triển khai thực hiện Công ước sau khi phê chuẩn, Chính phủ sẽ tập trung nội luật hóa các quy định của Công ước, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực người khuyết tật; thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Công ước; tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, thông tin và truyền thông theo đúng lộ trình quy định trong Luật người khuyết tật; xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất, đồng bộ về người khuyết tật; định kỳ báo cáo Liên hợp quốc về kết quả thực hiện Công ước...
Phúc Hằng (
TTXVN)