Đánh giá về vị trí của Việt Nam trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Chính phủ Đức hiện nay, Tiến sĩ Daniel Müller cho rằng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện tại trên thế giới, một cuộc tranh luận mở đã và đang diễn ra ở Đức về việc nên lựa chọn các quốc gia nào để hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai và Việt Nam là một trong số các quốc gia được chọn.
Điều này một mặt là do hai nước Đức và Việt Nam có mối quan hệ tốt đẹp; đều có sự quan tâm cao độ đến thị trường mở và nền kinh tế toàn cầu tự do, dựa trên luật lệ. Tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong ASEAN cũng giúp Việt Nam trở thành đối tác rất cần thiết đối với Đức.
Ngoài ra, việc hợp tác tốt với Việt Nam có thể thúc đẩy ổn định và hòa bình trong toàn khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn, trong đó nhiều cơ hội hợp tác và tiềm năng kinh tế chưa được khai thác hết. Thị trường Việt Nam có thể đóng góp quan trọng vào mục tiêu đa dạng hóa hơn nữa hoạt động của các doanh nghiệp Đức ở châu Á. Vì những lý do này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã quyết định tới thăm Việt Nam trước khi tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia.
Đánh giá về Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), Tiến sĩ Daniel Müller cho rằng EVFTA đã có những đóng góp rất tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Đức nói riêng, Việt Nam và EU nói chung, khiến trao đổi thương mại giữa hai bên liên tục tăng thời gian qua.
Tiến sĩ Müller cho rằng những nỗ lực hiện tại của các doanh nghiệp Đức nhằm tăng cường tham gia thị trường Việt Nam, cũng như việc các doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực thâm nhập thị trường Đức, cho thấy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai bên sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới. Quan hệ chính trị sâu sắc hơn nữa giữa hai nước cũng sẽ góp phần thúc đẩy điều này.
Về sự quan tâm của các doanh nghiệp Đức đối với thị trường Việt Nam, Tiến sĩ Müller cho rằng các doanh nghiệp Đức coi thị trường Việt Nam như địa điểm hấp dẫn để đa dạng hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh. Doanh nghiệp Đức mong muốn từng bước khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng của thị trường Việt Nam, chẳng hạn trong các lĩnh vực công nghệ y tế, năng lượng, cơ sở hạ tầng hoặc các ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Xu hướng tái tổ chức các chuỗi cung ứng quốc tế hiện nay trên thế giới cũng sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi với vai trò một nguồn cung ứng. Nhưng luật về chuỗi cung ứng của Đức và trong tương lai là của EU, cũng sẽ đặt ra những thách thức đối với Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn chuỗi cung ứng. Theo quan điểm của Đức, Việt Nam được coi là thị trường tiêu dùng tiềm năng của các sản phẩm, hàng hóa từ Đức. Về hoạt động đầu tư, nhiều doanh nghiệp Đức mong muốn đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên để triển khai các dự án đầu tư cần phải có thêm thời gian.
Đánh giá về những kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2022, Tiến sĩ Daniel Müller cho rằng Việt Nam đã làm rất tốt và vượt ra khỏi tình hình kinh tế ảm đạm của toàn cầu. Tăng trưởng của Việt Nam có thể nằm trong khoảng 7-8% trong năm 2022, tăng mạnh so với mức 2,6% năm 2021. Kết quả này một mặt xuất phát từ các số liệu kinh tế cơ bản rất tích cực như nợ quốc gia ở mức vừa phải. Mặt khác, đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục ở mức cao và sự tăng trưởng tích cực trong các lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Sự phục hồi trong ngành công nghiệp cũng đóng một vai trò quan trọng.
Nhận định về vai trò lãnh đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam, Tiến sĩ Daniel Müller cho rằng với chủ trương cởi mở, tăng cường quan hệ quốc tế, tiếp tục thực hiện quá trình tự do hóa và công nghiệp hóa cùng các chính sách hợp lý và nhiều biện pháp cụ thể, kịp thời, Chính phủ Việt Nam có những đóng góp quan trọng vào những kết quả phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tiến sĩ Daniel Müller cũng cho rằng thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường cải cách thể chế hơn nữa để qua đó giúp gia tăng hiệu quả quản lý, phát triển kinh tế.