Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Seoul về những bước tiến của ngoại giao Việt Nam trong năm 2023, Tiến sĩ Beak Yong-hun đề cập đến các sự kiện Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ (tháng 9) và Nhật Bản (tháng 11). Cùng với các khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã được xác lập trước đó với Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc, những bước tiến mới trong năm 2023 cho thấy Việt Nam đang tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng, đậm bản sắc “ngoại giao cây tre”.
Theo Tiến sĩ Beak Yong-hun, việc tăng cường quan hệ ngoại giao với Mỹ và Nhật Bản giúp Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghệ và các lĩnh vực mới; cùng với đó là trao đổi văn hóa, nguồn nhân lực, mở ra những cơ hội mới và giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung, vai trò chiến lược của Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang được đẩy mạnh hơn nữa. Việt Nam được đánh giá là một điểm đến tốt, thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực Đông Nam Á.
Tiến sĩ Beak Yong-hun cũng cho rằng những kết quả đối ngoại của Việt Nam và việc nâng cấp quan hệ đã cho thấy hiệu quả rõ ràng trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và an ninh hàng hải. Với việc khẳng định vị thế của mình, Việt Nam cũng ngày càng củng cố vai trò dẫn dắt tại khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) .
Tiến sĩ Beak Yong-hun đánh giá kết quả quan trọng trong việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ là việc hai bên nhất trí hợp tác phát triển khoa học công nghệ, công nghiệp bán dẫn. Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa hai nước, trong đó khẳng định tăng cường quan hệ đối tác để củng cố hệ sinh thái bán dẫn và hợp tác cung cấp nguyên liệu đất hiếm được sử dụng trong điện thoại thông minh và pin xe điện, đặt nền móng để Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất chất bán dẫn toàn cầu. Cùng với đó, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi phát triển đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế xanh, đồng thời cũng tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi năng lượng và chăm sóc sức khỏe.
Trong quan hệ với Nhật Bản, hợp tác về kinh tế, trao đổi nguồn nhân lực và hợp tác chống biến đổi khí hậu cũng là các nội dung nằm trong thỏa thuận ngoài hợp tác kinh tế. Hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải và chuyển giao công nghệ. Tiến sĩ Beak Yong-hun cho rằng việc hợp tác với Việt Nam giúp Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, trong khi ở chiều ngược lại Việt Nam cũng có thể đa dạng hóa thị trường, nguồn cung, giảm sự phụ thuộc quá mức vào một đối tác.
Năm 2023 là năm đầu tiên Việt Nam và Hàn Quốc triển khai thực hiện Đối tác chiến lược toàn diện. Kế hoạch hợp tác triển khai quan hệ chiến lược toàn diện bao gồm tăng cường hợp tác ngoại giao và an ninh, mở rộng trao đổi thương mại, tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng và mở rộng viện trợ của Hàn Quốc cho Việt Nam. Hai nước đã ký kết 17 hiệp định và MOU. Cùng với đó, tại Diễn đàn doanh nghiệp Hàn – Việt diễn ra tháng 6/2023 nhân chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk Yeol tới Việt Nam, có tới 111 MOU đã được ký kết bao gồm các lĩnh vực thương mại, khoa học, công nghệ.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Beak Yong-hun, những thành tựu chính đạt được trong năm 2023 trong quan hệ song phương cần phải kể đến cơ chế tăng cường hợp tác chiến lược trong lĩnh vực ngoại giao và an ninh, như tổ chức các cuộc gặp cấp bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao thường niên giữa hai nước; ký kết thỏa thuận nghiên cứu chung về khoáng sản quan trọng giữa Hàn Quốc và Việt Nam cũng như tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng. Một trong những thành tựu nổi bật là việc thiết lập nền tảng hợp tác hướng tới tương lai giữa các công ty và tổ chức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, xe điện, công nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực năng lượng.
Dẫn nhận định của báo chí hai nước cho rằng hợp tác song phương Việt Nam-Hàn Quốc đang ở "thời kỳ hoàng kim", Tiến sĩ Beak Yong-hun cho rằng điều đó cũng có nghĩa là đến lúc hai bên cần đẩy mạnh về chất, thay vì lượng, của mối quan hệ. Số lượng công ty Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam dường như cũng ở mức bão hòa với khoảng 9.000 doanh nghiệp. Do đó, theo Tiến sĩ cần thiết lập lộ trình hợp tác mà hai nước có thể chia sẻ, tập trung vào thúc đẩy hợp tác trong tương lai, như tăng trưởng xanh và phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin. Để đạt được điều này, việc nâng cấp và chuyển giao công nghệ dựa trên năng lực công nghệ tiến tiên của Hàn Quốc sẽ là một trong những vấn đề lĩnh vực quan trọng.
Dưới góc nhìn của Tiến sĩ Beak Yong-hun, dù vẫn còn những điểm hạn chế, nhưng nhìn tổng thể mối quan hệ song phương xu thế tích cực vẫn bao trùm. Do đó, cần đẩy mạnh và có kênh trao đổi thông tin chính thức giúp giảm thiểu các tin sai lệch, tiêu cực liên quan vấn đề kinh tế, gia đình đa văn hóa..., tăng cường các thông tin tích cực để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Theo Tiến sĩ Beak Yong-hun, trong hợp tác hướng tới tương lai, vai trò của thế hệ trẻ hai nước là rất quan trọng, góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương Việt Nam -Hàn Quốc. Việc hỗ trợ tiếng Việt và nghiên cứu tiếng Việt cũng rất quan trọng trong việc tăng cường sự quan tâm hơn nữa đến tiếng Việt và người Việt ở Hàn Quốc. Việt Nam cũng là một điểm đến du lịch ưa thích nhất của người Hàn Quốc, do đó đây là một kênh giúp người dân hai nước có thể gặp gỡ và tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Đánh giá cao vai trò của văn hóa trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia ra quốc tế và thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước, Tiến sĩ Beak Yong-hun nhấn mạnh ngoại giao văn hóa là một lĩnh vực quan trọng trong ba trụ cột của chính sách đối ngoại của Việt Nam và đã được triển khai rộng rãi ở nhiều cấp độ. Ngoại giao văn hóa được thực hiện gắn liền với các hoạt động ngoại giao chính trị như các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo đảng, lãnh đạo quốc gia và các cuộc gặp cấp cao có sự tham dự của lãnh đạo các nước lớn trên thế giới cũng như các diễn đàn, hội nghị quốc tế. Các sự kiện thường niên như Lễ hội hoa anh đào tại Hà Nội hay Ngày Moskva Hà Nội góp phần thúc đẩy tăng cường giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nước. Các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cũng là kênh hiệu quả để giới thiệu, giao lưu văn hóa Việt Nam với các nước trên thế giới. Các hoạt động biểu diễn nhạc cụ dân tộc, hòa nhạc có sự kết hợp với nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như đàn bầu và đàn T'rưng cũng là những cách quảng bá văn hóa hiệu quả. Những nét hiện đại trong đời sống văn hóa, nghệ thuật Việt Nam cũng đang được thể hiện rõ. Nhiều tác phẩm điện ảnh của Việt Nam đã được vinh danh tại các liên hoan phim Cannes (Pháp), Berlin (Đức), Busan (Hàn Quốc); các ca sĩ trẻ của Việt Nam gần đây cũng gây chú ý với những bản hit được phổ biến ở nhiều nước thông qua nhiều nền tảng trên mạng Internet. Vì vậy, theo Tiến sĩ Beak Yong-hun, ngoài việc phát huy văn hóa truyền thống, cần đầu tư vào công nghiệp văn hóa cho các lĩnh vực, thể loại mới. Điều này không chỉ cần chính sách ngoại giao văn hóa của nhà nước mà còn cần phát huy các nguồn lực từ phía doanh nghiệp, địa phương để giúp hình ảnh đất nước được quảng bá rộng rãi, phát huy mạnh mẽ hơn nữa “quyền lực mềm” của văn hóa.