Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Seoul đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng về ý nghĩa chuyến thăm và những thành tựu trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Hàn Quốc.
Xin Đại sứ cho biết đôi nét về quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, đặc biệt là hợp tác song phương trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua?
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng và hiệu quả, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực gồm chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, kinh tế, văn hóa cả ở cấp song phương và đa phương.
Thứ nhất, trên phương diện chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Kể cả trong thời kỳ dịch COVID-19, Việt Nam và Hàn Quốc vẫn thường xuyên duy trì tiếp xúc cấp cao thông qua các chuyến thăm và trao đổi trực tuyến, qua đó vận hành ổn định các cơ chế đối thoại và hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực. Sắp tới, hai nước dự định hình thành những khuôn khổ mới và toàn diện hơn.
Kết quả quan trọng nhất của các hoạt động ngoại giao nói trên là sự hiểu biết và lòng tin giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng được củng cố. Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta đã có cơ sở chính trị vững chắc, đó là sự kế thừa chính sách của Việt Nam qua các giai đoạn và là sự đồng thuận lưỡng đảng/đa đảng trong các chính giới ở Hàn Quốc. Và điểm nổi bật là tình cảm thân thiện, nồng ấm giữa nhân dân hai nước cũng đã trở thành tài sản của mối quan hệ song phương.
Thứ hai là hợp tác kinh tế, được coi là yếu tố then chốt và đóng góp hết sức to lớn cho quan hệ hai nước. Hợp tác kinh tế diễn ra với tốc độ nhanh chóng, quy mô to lớn và hiệu quả ngay cả trong thời kỳ COVID-19. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hàn Quốc đạt 56,4 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 15,9 tỷ USD, tăng 10,5% và nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 40,4 tỷ USD, tăng 18,7%.
Đầu tư của Hàn Quốc sang Việt Nam cũng tăng trưởng ấn tượng. Hàn Quốc luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam. 11 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam tổng số vốn là 4,36 tỷ USD, đứng thứ 2/100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến ngày 20/11 vừa qua, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 74,14 tỷ USD với 9.203 dự án còn hiệu lực, đứng thứ nhất cả về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào 59 địa phương trong cả nước.
Hiện nay, Hàn Quốc là nước cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn thứ hai của Việt Nam với 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2020. Hàn Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lao động lớn thứ hai của Việt Nam, sau Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2021, hai bên đã ký lại Bản ghi nhớ (MoU) này.
Hàn Quốc đồng thời là thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam. Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng du khách hai nước thăm nhau bị giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong thời gian tới, dự kiến lĩnh vực du lịch sẽ sớm được phục hồi.
Thứ ba, mối quan hệ giữa nhân dân hai nước cũng từ đó có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, hiện cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc có hơn 216.000 người. Cộng đồng người Hàn Quốc ở Việt Nam là khoảng 160.000 người. Hơn 60 tỉnh/thành và địa phương của Việt Nam đã ký 76 văn bản thỏa thuận hợp tác với các địa phương tương ứng của Hàn Quốc.
Thứ tư, sự hợp tác thành công giữa hai nước đã đem lại một vị thế quốc tế mới cho cả hai nước. Việt Nam và Hàn Quốc hiện đang hợp tác chủ động và tích cực triển khai Chính sách hướng Nam mới, các chương trình hợp tác trong khuôn khổ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) qua đó đóng góp vào hòa bình, ổn định khu vực, giữ vai trò trung tâm của ASEAN.
Như vậy, việc hình thành và tăng cường quan hệ toàn diện giữa hai nước đã ngày càng đóng góp vào việc theo đuổi hiệu quả các lợi ích dân tộc cơ bản của hai nước, đó là an ninh, phát triển và vị thế của đất nước trên trường khu vực và quốc tế.
Đại sứ đánh giá thế nào về ý nghĩa chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ?
Chuyến thăm của Chủ tịch Vương Đình Huệ có ý nghĩa to lớn trong việc nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đặc biệt là bản thân chuyến thăm vào thời điểm này đã phát đi thông điệp về quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước nối lại trao đổi cấp cao, giao lưu nhân dân trong giai đoạn mới - là điều mà các giới, nhất là giới lập pháp và doanh nghiệp hai bên rất quan tâm.
Chuyến đi là thông điệp đối với cộng đồng khu vực và quốc tế rằng quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc tiếp tục đóng góp và củng cố vai trò của ASEAN, của các thiết chế nghị viện đa phương châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định sự tiếp tục của Chính sách hướng Nam mới vì hòa bình và thịnh vượng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chuyến thăm còn thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đến cộng đồng kiều bào ở Hàn Quốc, vừa đông về số lượng, đa dạng về lực lượng và nhất là vẫn còn phải chịu nhiều khó khăn vì đại dịch COVID-19. Đặc biệt, nhân chuyến đi này, Chủ tịch Quốc hội chính thức khai trương trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, biểu tượng của thế và lực mới của đất nước và của quan hệ mới giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Việt Nam và Hàn Quốc đang hướng đến kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2022), Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác song phương trong thời gian tới?
Tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Các cơ hội có được từ quyết tâm chính trị và tầm nhìn của lãnh đạo hai nước, thế và lực mới của cả hai nước, những lĩnh vực hợp tác mới về kinh tế, chính trị và ngoại giao trong những vận động mới của tình hình quốc tế và khu vực. Bên cạnh đó, sự tương đồng về lịch sử và văn hóa của hai nước cộng với việc khuôn khổ thể chế liên tục được củng cố, lòng tin ngày càng sâu sắc, quan hệ nhân dân ngày càng sâu đậm, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng có cơ hội phát triển.
Trong thời gian tới, quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và giao lưu nhân dân, sẽ phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, trên cả tầm song phương và đa phương, thể hiện rõ hơn chất chiến lược và toàn diện mà hai bên cùng mong muốn hướng tới.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!