Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới kim ngạch thương mại 100 tỷ USD

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực.

Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn bằng với thời điểm trước khi diễn ra đại dịch và đang phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021. Vì vậy, chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ từ ngày 12/12 là cơ hội để đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD theo hướng cân bằng, bền vững và hiệu quả.

Chú thích ảnh
Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang (tỉnh An Giang). Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Đối tác thương mại lớn

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Năm 2020, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đạt 66 tỷ USD, chiếm 12,85% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới. 

Về xuất khẩu, Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 19,1 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2, chỉ sau Trung Quốc với tổng kim ngạch nhập khẩu ở mức 46,9 tỷ USD. Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc khoảng 27,8 tỷ USD.

Riêng trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đạt 63 tỷ USD, tăng 17,6 % so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 45,1 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Hơn nữa, Hàn Quốc là một thị trường xuất khẩu quan trọng và còn nhiều tiềm năng của mặt hàng trái cây tươi và trái cây chế biến của Việt Nam với dung lượng thị trường khoảng 1,3 tỷ USD/năm. Đến nay đã có 5 loại trái cây tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu chính thức vào thị trường Hàn Quốc, bao gồm: dừa, dứa, thanh long, xoài, chuối. Đặc biệt, chuối là loại trái cây được ưa chuộng tại Hàn Quốc.

Theo đánh giá của doanh nghiệp và người tiêu dùng Hàn Quốc, các mặt hàng trái cây của Việt Nam còn nhiều tiềm năng và dư địa để mở rộng thị phần xuất khẩu sang Hàn Quốc. Mặc dù vậy, để có thể mở rộng thị phần và xuất khẩu bền vững sang Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã, hình thức chế biến, quy mô sản xuất và khả năng cung ứng ổn định để tăng sức cạnh tranh, khả năng thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường này.

Theo ông Kyung Don Kim - Trưởng phòng xúc tiến đầu tư Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội, dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng có thể thấy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang tăng đáng kể. Cùng với đó, hoạt động đầu tư mở rộng, đầu tư mới vẫn được các doanh nghiệp Hàn Quốc dự tính triển khai trong thời gian tới, khi tỷ lệ phủ vaccine của Việt Nam tăng lên.

Đặc biệt, Hàn Quốc vẫn đang là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với tổng số dự án là 9.165  dự án. Lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang quan tâm đầu tư chủ yếu là sản xuất và chế tạo. Hiện có khoảng 79% doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất như Samsung, LG, Hyundai Motors… Ngoài ra, Việt Nam cũng là đối tác trọng tâm trong chính sách hướng Nam mới tăng cường của Hàn Quốc. Các hoạt động đầu tư, thương mại ở thời điểm này sẽ là nền tảng để sớm đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 100 tỷ USD.

Phối hợp hiệu quả

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, Việt Nam có nhiều lợi thế tăng thị phần tại thị trường Hàn Quốc bởi có ưu thế thuế quan nhập khẩu thấp nhờ được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).

Do vậy trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan của Việt Nam và Hàn Quốc để thúc đẩy phía Hàn Quốc mở cửa thị trường cho các loại trái cây khác của Việt Nam cũng như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Từ đó, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường Hàn Quốc.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong việc đồng hành cùng Việt Nam từng bước thích ứng an toàn trước đại dịch.

Cùng với đó, Việt Nam đang ban hành nhiều quyết sách từ Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp đã được kịp thời ban hành trong thời gian gần đây để tháo gỡ các nút thắt và khó khăn cho các doanh nghiệp; trong đó, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đang đóng vai trò hạt nhân quan trọng trong quá trình mở cửa từng bước an toàn vững chắc mà trước hết là khôi phục hầu hết các hoạt động sản xuất trở lại bình thường.

Mặc dù hiện nay, dịch bệnh đang có những diễn biến nhanh và phức tạp nhưng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực kiến tạo, triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại, đầu tư mới dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.

Điều này sẽ giúp doanh nghiệp, khu công nghiệp Việt Nam luôn duy trì kết nối thường xuyên, liên tục với các đối tác, các nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài; trong đó, có Hàn Quốc tìm hiểu các cơ hội đầu tư trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Hàn Quốc còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển bởi khoảng cách địa lý gần gũi, thị thiếu người tiêu dùng tương đồng, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu mang tính chất bổ sung cho nhau. Đặc biệt là sự tích cực của cả hai bên trong tham gia các hiệp định thương mại tự do và nhất là sự kết nối ngày càng chặt chẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, phát huy tối đa hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương để triển khai các nhiệm vụ cụ thể cũng như triển khai chương trình hành động thực hiện mục tiêu thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2023.

Mặt khác, hai bên cũng sẽ thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng Việt Nam - Hàn Quốc cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc; tổ chức định kỳ Đối thoại giữa Bộ trưởng Công Thương Việt Nam với doanh nghiệp Hàn Quốc.

Uyên Hương (TTXVN)
Thành lập Khu công nghiệp hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc
Thành lập Khu công nghiệp hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc

UBND tỉnh Hưng Yên vừa ban hành quyết định thành lập Khu công nghiệp hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc (còn gọi là Khu công nghiệp sạch) thuộc tổ hợp Khu công nghiệp và Đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt, tỉnh Hưng Yên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN