Trao đổi với phóng viên TTXVN tại La Habana, Tiến sĩ Ruvislei nhấn mạnh rằng sự phức tạp của thế giới ngày nay với những bất ổn lớn dẫn đến nhu cầu thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, đa dạng và có trách nhiệm, góp phần tăng cường quan hệ quốc tế. Ngành ngoại giao Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó phải kể đến chuyến thăm của lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ và Trung Quốc cùng việc nâng cấp quan hệ song phương với những kết quả cụ thể.
Chỉ trong những tháng qua, Việt Nam đã thực hiện hàng loạt trao đổi cấp cao với cả Trung Quốc và Mỹ. Đó là tháng 8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, trồng cây lưu niệm tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội vào tháng 9 và hai bên nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng Phạm Minh Chính có các hoạt động song phương tại Washington (Mỹ) vào tháng 9, trong khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn Hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ ba vào tháng 10 tại Trung Quốc. Đầu tháng 12 này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước đến Việt Nam.
Đánh giá về những chuyển động ngoại giao này, ông Ruvislei, cũng là Giám đốc Chương trình Quan hệ Quốc tế tại Cuba, nhấn mạnh các hoạt động này đều phản ánh những thành tựu đạt được từ chính sách đối ngoại hữu nghị của Việt Nam với thế giới. Cụ thể, trong quan hệ song phương, Việt Nam đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và nhất trí xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai”. Việt Nam cũng nâng cấp quan hệ với Nhật Bản lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Ở cấp độ đa phương, Việt Nam khởi đầu năm 2023 với việc đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Cũng trong năm nay, Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Việt Nam và Trung Quốc nhất trí thúc đẩy kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với "Sáng kiến Vành đai và Con đường". Trong năm qua, Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Nhà nghiên cứu từng có nhiều năm là Trưởng Bộ phận châu Á của CIPI tin tưởng việc nâng cao cấp độ quan hệ với các nước, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, sẽ là đòn bẩy cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam với thặng dư thương mại lớn cũng như những cơ hội mới mở ra trong việc phát triển hợp tác trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, biến đổi khí hậu, an ninh, quốc phòng. Trong khi đó, Nhật Bản đóng vai trò rất quan trọng trong cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) và là một trong những nhà đầu tư quan trọng nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới. Các mối quan hệ song phương đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây, bao gồm khoa học - công nghệ, giáo dục, văn hóa, quốc phòng...
Tiến sĩ Ruvislei nêu bật tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa trong việc nâng cao hình ảnh của đất nước và dẫn chứng chính sách của các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Ấn Độ, đều coi trọng thúc đẩy đường lối này. Trao đổi văn hóa ngày nay trở thành một công cụ rất quan trọng đối với các nước. Những lĩnh vực văn hóa như âm nhạc và trang phục truyền thống có thể tạo ra các yếu tố quốc tế hóa đưa ngoại giao văn hóa trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình triển khai đường lối ngoại giao nhân dân.
Học giả Cuba đánh giá cao nền văn hóa phong phú và đa dạng của Việt Nam, đồng thời cho rằng văn hóa có thể trở thành cầu nối quan trọng đưa Việt Nam vươn ra thế giới. Mặc dù ẩm thực Việt Nam đã xuất hiện ở nhiều nhà hàng châu Á nhưng vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục quảng bá và mở rộng ảnh hưởng.
Theo Tiến sĩ Ruvislei, trong bối cảnh thế giới phức tạp, việc duy trì sự độc lập trong chính sách đối ngoại một cách trung lập nhưng không từ bỏ các nguyên tắc bảo vệ một thế giới công bằng hơn, trong đó mọi người đều được tôn trọng, bất kể quy mô của đất nước, là đường lối đúng đắn của ngoại giao Việt Nam.