Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về Chương trình chuyển đổi số thư viện, đánh giá những thời cơ, thách thức của chuyển đổi số đối với chủ trương xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Theo Ban tổ chức hội thảo, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế số, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xã hội số. Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an luôn chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác Công an; ban hành nhiều kế hoạch chương trình hành động, tổ chức thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết Đại hội VII nhiệm kỳ 2021 – 2025 của Đảng bộ Công an Trung ương đã xác định tăng cường phát triển, ứng dụng thành tựu khoa học – kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các mặt công tác Công an, nhất là công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quyết tâm đến năm 2030 thực hiện chuyển đổi số một cách căn bản, toàn diện, đồng bộ; phát triển môi trường số trong Bộ Công an, đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy Chính phủ số trong Bộ Công an, trong đó có Chương trình chuyển đổi số hoạt động thư viện trong Công an nhân dân. Bộ Công an đã đưa nhiệm vụ chuyển đổi số ngành thư viện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình Chuyển đổi số trong Công an nhân dân.
Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) khẳng định, hoạt động thư viện nói chung và hoạt động thư viện trong Công an nhân dân nói riêng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và Bộ Công an. Hoạt động thư viện Công an nhân dân chủ động, dựa vào nội lực là chính, vừa đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của các loại hình thư viện trong mối liên kết chặt chẽ, thúc đẩy nhau cùng phát triển giữa các thư viện trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân.
Quy hoạch chuyển đổi số thư viện trong Công an nhân dân phù hợp với quy hoạch phát triển ngành thư viện chung của đất nước. Hoạt động thư viện trong Công an nhân dân đặc biệt lưu ý đảm bảo tính bền vững, phát triển lâu dài và ổn định. Đầu tư cho hoạt động thư viện là đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Công an nhân dân. Hoạt động thư viện Công an nhân dân đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ tối đa các nguồn lực do Nhà nước và nguồn lực xã hội hoá đầu tư cho hoạt động thư viện.
Thực tế, lực lượng Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nên có những phương thức tổ chức, hoạt động thư viện phù hợp với các quy định của Luật Thư viện Việt Nam, phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang. Vấn đề an toàn, an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư cá nhân… trên không gian mạng được đặc biệt quan tâm. Năm 2021, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch về triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong lực lượng Công an nhân dân.
Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện hệ thống thư viện trong Công an nhân dân; hình thành môi trường thông tin thư viện số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu văn hóa tinh thần, thông tin, giáo dục, giải trí và phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, phát triển văn hóa đọc; tiến tới xây dựng, phát triển công tác thư viện trong Công an nhân dân chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu sử dụng thư viện và tạo môi trường học tập suốt đời cho cán bộ, chiến sĩ góp phần tích cực vào công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện chủ trương, chính sách phát triển thư viện của Chính phủ, Bộ Công an, cụ thể hóa nội dung chương trình đẩy mạnh tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ. Các đại biểu còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay về đẩy mạnh chuyển đổi số, ưu tiên phát triển tài nguyên số; phát triển sản phẩm thông tin, đổi mới dịch vụ thông tin thư viện nâng cao năng lực cán bộ quản lý và nhân viên thư viện. Nhiều ý kiến đề nghị tăng cường chuẩn hóa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các thư viện, hỗ trợ đảm bảo khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc, phát triển văn hóa đọc.
Cùng với trên 50 tham luận được gửi về cho Ban tổ chức, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã chia sẻ các kinh nghiệm đã tiến hành trong thực tế, đề xuất nhiều giải pháp thực hiện nhằm đẩy mạnh Chuyển đổi số hoạt động thư viện Công an nhân dân. Các đại biểu đã làm rõ hơn vấn đề lý luận và thực tiễn về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về chuyển đổi số thư viện định hướng đến năm 2030; sự cấp thiết phải chuyển đổi số thư viện và xu hướng chuyển đổi số của các thư viện trong và ngoài nước; thời cơ và thách thức đối với hoạt động thư viện trong Công an nhân dân hiện nay. Nhiều tham luận đã chỉ ra những vấn đề một số vấn đề về thực trạng cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, đội ngũ cán bộ thư viện và nguồn lực thông tin thư viện trong hoạt động thư viện và chuyển đổi số.
Ban Tổ chức hội thảo sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học, đặc biệt là các ý kiến có tính phát hiện, khái quát cao về tác động của chuyển đổi số trong hoạt động thư viện. Trên cơ sở các ý kiến đã tiếp thu, Ban tổ chức sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Công an ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ, để tiến hành triển khai chuyển đổi số hoạt động thư viện trong Công an nhân dân định hướng đến năm 2030.