Chung sức ứng phó biến đổi khí hậu

Những biến động thời tiết cực đoan liên tiếp xảy ra gần đây khiến nhiều người lo lắng, chúng ta có thể làm gì để thay đổi được điều này? Đó là những trăn trở của người dân gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trong Chương trình “Dân hỏi bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan ngôn luận khác.

Triều cường làm sạt lở tại cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) hồi năm 2012. Ảnh: Huỳnh Sử-TTXVN


Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định: Biến đổi khí hậu là vấn đề của toàn cầu và một thách thức đối với nhân loại. Nguyên nhân là do hoạt động phát triển kinh tế của con người dẫn tới việc phát thải khí nhà kính ngày càng tăng lên và Trái đất ấm dần lên. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Từ năm 2001 - 2010, do thiên tai và biến đổi khí hậu đã thiệt hại về người và tài sản là khá lớn. Số người mất tích và số người chết khoảng 9.500 người, GDP hàng năm thiệt hại khoảng 1,5%.

Theo kịch bản về biến đổi khí hậu vào cuối thế kỷ này (năm 2100), nhiệt độ trung bình ở Việt Nam sẽ tăng 2 - 3 độ C và mực nước biển có thể cao lên khoảng 1 m so với giai đoạn 1980 - 1999. Nếu nước biển dâng cao 1 m, sẽ dẫn tới hậu quả là đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập đến 39% diện tích và riêng TP Hồ Chí Minh sẽ bị ngập khoảng 20% diện tích, còn các tỉnh đồng bằng sông Hồng có thể ngập khoảng 10%; các tỉnh miền Trung khoảng 3%; 10% dân số sẽ chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu.         

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Trước tình hình này Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Các cơ quan của các bộ sẽ giúp cho Ủy ban này chuẩn bị các giải pháp và sau đó Thủ tướng sẽ quyết định. Nghị quyết 24 của Trung ương về chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường, đã nêu quan điểm rất quan trọng là phải có nhận thức đầy đủ về tư tưởng, chủ trương, giải pháp cũng như về mục tiêu… để ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh toàn cầu và phải liên hệ với quốc tế. Về mặt nhận thức phải thấy rằng biến đổi khí hậu không chỉ có thách thức, bên cạnh đó còn là những cơ hội để chuyển đổi tăng trưởng về mọi mặt.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan giúp Chính phủ trong hoạt động của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu. Thời gian qua, Bộ đã chuẩn bị để Chính phủ ban hành một số nội dung quan trọng như:, Chiến lược về ứng phó biến đổi khí hậu, Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu. Bộ cũng đã kiến nghị, trong thời gian 5 năm tới cần phải rà soát lại các quy hoạch, cập nhật lại các quy hoạch; dành các nguồn lực để tập trung cho trồng rừng ngập mặn. Cùng với đó là phải xây dựng các đê mềm để cây ngập mặn có thể phát triển và chắn sóng ở bên ngoài; xây dựng cống để ngăn mặn và giữ ngọt ở những nơi thật xung yếu. Thủ tướng đã yêu cầu cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, người dân cùng tham gia công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu trong những năm tới.      


Trọng Thủy


Thức ăn 'mất ngon' do biến đổi khí hậu
Thức ăn 'mất ngon' do biến đổi khí hậu

Khoa học đã chứng minh, sự nóng lên của Trái đất sẽ làm thịt rắn hơn, cà rốt vô vị, và chất lượng nhiều loại thực phẩm khác bị ảnh hưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN