Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao những công lao, đóng góp của cán bộ nữ, người có công tỉnh Vĩnh Long đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, công tác cán bộ nữ ở tỉnh Vĩnh Long thời gian qua đã có nhiều đổi mới và phát triển. Đội ngũ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị các cấp ngày càng được nâng lên.
Phó Chủ tịch nước đề nghị, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Vĩnh Long tạo điều kiện, động viên cán bộ nữ trên các lĩnh vực để đội ngũ cán bộ nữ phát triển toàn diện, từng bước vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí của mình trên mọi cương vị công tác.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung công tác quy hoạch xây dựng cán bộ nữ trách nhiệm, có năng lực, chú trọng tạo nguồn, giới thiệu, đào tạo cán bộ nữ từ cơ sở.
Phó Chủ tịch nước mong muốn, các cán bộ nữ và người có công tỉnh Vĩnh Long tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần giữ vững tình hình chính trị tại địa phương; giáo dục truyền thống cho con cháu, thế hệ trẻ, các tầng lớp nhân dân về truyền thống cách mạng của đất nước; tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương những ý kiến quý báu, thiết thực nhằm phấn đấu xây dựng tỉnh Vĩnh Long nói riêng và đất nước nói chung ngày càng phát triển giàu mạnh.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Phan Thị Mỹ Hạnh cho biết, hiện nay tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của tỉnh Vĩnh Long là 3 người (chiếm 50%); nữ đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp là 627 người (chiếm 19,3%); tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 370 người (chiếm 18,39%).
Nhìn chung, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy 3 cấp tăng lên từ 14,29% (năm 2005) lên 18,38% (năm 2015); tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân 3 cấp tăng từ 14,21% (năm 2004) lên 19,49% (năm 2016). Toàn tỉnh có 41/324 nữ cán bộ lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp; có 34/240 nữ là Giám đốc, Phó Giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể và tương đương.