Cán bộ nữ người Mông làm kinh tế giỏi

Theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), chúng tôi tìm về xã Chế Cu Nha để gặp gương phụ nữ dân tộc Mông làm kinh tế giỏi.

Chị Khang Thị Dủa (người đứng) chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.


Vừa đặt chân tới trụ sở xã, một phụ nữ dáng người đậm, trạc 40 tuổi nhanh chân tiến lại phía tôi: “Chú là nhà báo à? Tôi là Khang Thị Dủa đây”. Tôi chưa kịp tháo mũ bảo hiểm, chị lại tiếp lời: “Về nhà tôi luôn nhé, bản Trống Tông cũng gần đây thôi”. Thế là tôi lại phóng xe theo sau để về nhà chị. Hai bên đường, lúa ở những thửa ruộng bậc thang uốn quanh các triền đồi đang lên xanh mướt.


Đến nhà chị Dủa, ấn tượng đầu tiên là dãy chuồng trâu, bò được dựng chắc chắn và cách xa khu nhà ở. Hiện nay, gia đình chị có 12 con trâu, bò; hàng trăm con gà, vịt các loại. Chị Dủa còn nuôi lợn thịt, mỗi lứa nuôi từ 10 - 15 con, cứ ba tháng thì xuất chuồng một lần và lại nuôi tiếp. Bình quân một năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu được từ 65 - 70 triệu đồng từ tiền chăn nuôi lợn, gà. Ngoài ra, nhà chị còn cấy hơn 1 ha lúa nước, hơn 2 ha ngô, mỗi năm thu hoạch được gần 10 tấn lương thực. Hơn 1 ha thảo quả của gia đình chị cũng cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng/năm, gia đình chị còn có gần 1 ha cây sơn tra (táo mèo), sẽ cho thu nhập trong một vài năm tới.


Từ nguồn thu nhập này, gia đình chị đã mua được máy xay sát, máy cày để phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi; xây đựng được nhà cửa khang trang sạch đẹp, mua sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình và có điều kiện cho con cái học hành. Hiện cả hai con chị đều đang học tại các trường cao đẳng của tỉnh Yên Bái.


Chị Dủa kể, do gia đình đông anh chị em, nên chị chỉ được học hết lớp 5. Năm 1994, khi tròn 19 tuổi, chị kết duyên với anh Hờ A Hú là người cùng bản. Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình đông con nên anh chị đã xác định đẻ ít con để nuôi dạy cho tốt và có điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn.


Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật và thiếu vốn đầu tư để sản xuất, chăn nuôi, nên mỗi năm gia đình chị luôn thiếu ăn từ 3 - 4 tháng. Nhớ lời Bác dạy: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền”, thế là anh chị bàn nhau phải quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Chị đã tích cực tham gia sinh hoạt Hội phụ nữ để được học hỏi và trao đổi các kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi cũng như trong cuộc sống. Từ 30 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã đầu tư mua các loại cây, con giống mới và mở rộng diện tích đất sản xuất. Đến nay, gia đình chị đã trở thành một hộ có “của ăn của để”. Những năm gần đây, anh chị tặng gần 100 con gà, ngan, vịt giống, hơn 500 kg thóc, ngô giống, 4 con lợn sinh sản cho chị em phụ nữ nghèo trong xã.


Bằng những cố gắng thoát nghèo của mình, chị Dủa đã được công nhận là hội viên tiêu biểu trong nhiều năm liền. Năm 2003, chị vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được bầu vào Ban Chấp hành Hội phụ nữ xã và giữ chức Chi hội trưởng Phụ nữ bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha.
Với cương vị là Chi hội trưởng Phụ nữ bản, chị thường xuyên tổ chức sinh hoạt hội theo các chủ đề như: Trao đổi học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, chăm sóc nuôi dạy con... , thu hút được 98% hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt. Chi hội tuyên truyền vận động đến từng hội viên và nhân dân nơi cư trú; thực hiện các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững"; cuộc vận động “ 5 không, 3 sạch” của hội và phong trào ba xanh “Xanh rừng, xanh đồng ruộng, xanh nương rẫy”...


Trong công tác hội, chị Dủa luôn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động cho mình và của chi hội phụ nữ. Đặc biệt là việc hướng dẫn cho chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất, chuyển diện tích lúa một vụ sang cấy 2 vụ, chuyển diện tích lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô; mạnh dạn đưa các loại giống mới vào thâm canh tăng vụ... Nhờ vậy, đã có nhiều gia đình hội viên trong bản Trống Tông vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, chị còn động viên chồng con tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể xã hội tại địa phương. Gia đình chị Dủa thực sự là tấm gương sáng về sự nỗ lực phấn đấu xây dựng gia đình ít con hạnh phúc, tiến bộ. Anh chị luôn sống hòa thuận thương yêu nhau, làm gương cho con cái, việc nuôi dạy con cái cũng được chu đáo vẹn toàn. Nhiều năm liền, gia đình chị đều đạt gia đình văn hóa, gia đình hiếu học, hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã, của huyện.


Từ những kết quả đạt được trong công tác hội và sản xuất kinh tế, chị Khang Thị Dủa đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành trao tặng. Đặc biệt, vào tháng 9/2013, chị vinh dự được chọn là đại biểu duy nhất của tỉnh Yên Bái đi dự “Hội nghị biểu dương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi toàn quốc” và được gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương và Bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong phong trào phụ nữ thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2002 - 2012.


Bài và ảnh: Trung Kiên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN