Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nam Định. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Chiều 26/8, tại Nam Định, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định về kết quả công tác xây dựng Đảng và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội: Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Trần Văn Túy, Trưởng Ban công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; lãnh đạo một số bộ, ngành…
Nằm ở trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, với dân số gần 1,9 triệu người, Nam Định đã hình thành khá rõ 3 vùng kinh tế, gồm: Vùng kinh tế nông nghiệp với giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 102 triệu đồng/ha canh tác mỗi năm, vùng kinh tế biển và trung tâm công nghiệp dịch vụ thành phố Nam Định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 của tỉnh đạt 13,5%.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá về những kết quả nổi bật của Nam Định thời gian qua, trong đó công tác xây dựng Đảng, kiện toàn cán bộ chủ chốt, công tác phân công, phân nhiệm sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII... đã đi vào nền nếp. Tỉnh đã tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, xây dựng chương trình làm việc toàn khóa một cách bài bản. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp được thực hiện thành công, nghiêm túc và đúng pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hiện là điểm sáng của Nam Định với việc liên tiếp giữ vững thành tích 22 năm liền nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thu được kết quả nổi bật với 112 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 54%)… Sáu tháng đầu năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Nam Định ước tăng 6,5%, cao hơn so với bình quân của cả nước. Thu hút đầu tư đạt trên 383 tỷ đồng và 117 triệu USD, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước…
Chủ tịch Quốc hội cho rằng kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Nam Định vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; đồng thời lưu ý Nam Định cần chú trọng phát triển kinh tế bền vững, đa dạng hóa các nguồn lực, kêu gọi đầu tư.
Cơ bản nhất trí với những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tiềm năng lợi thế của Nam Định là về dân số, đất đai, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có chất lượng. Tỉnh đã có định hướng chiến lược nhằm tạo bước đột phá trong phát triển, quy hoạch 9 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp, 100 làng nghề với đầy đủ hạ tầng điện, nước, viễn thông và các dịch vụ khác. Nam Định cũng đã giới thiệu chính sách ưu đãi đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, công khai các cơ chế ưu đãi và danh mục dự án ưu tiên đầu tư...
Chủ tịch Quốc hội mong rằng, trong những tháng còn lại của năm 2016, tỉnh cần chỉ đạo rà soát lại quy hoạch tổng thể, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sự liên kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực với quy hoạch chung cho phù hợp với định hướng. Về đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, tỉnh cũng cần rà soát những chính sách, cơ chế ưu đãi trong thẩm quyền của địa phương, các vấn đề như quỹ đất, thu hồi, đền bù, tái định cư, xây dựng giao thông kết nối các khu công nghiệp, tỉnh cần xác định rõ nguồn lực ở đâu, bao giờ làm, chủ thể thực hiện...
Về các đề xuất, kiến nghị của Nam Định liên quan đến việc xây dựng tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình; Trung tâm lễ hội thuộc Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích, lịch sử, văn hóa Đền Trần-Nam Định; tuyến đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là những chủ trương đúng đắn nhằm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tuy nhiên, hiện nay trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, tỉnh cần rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn, xem xét để lựa chọn công trình, dự án đầu tư để chủ động nguồn vốn, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. "Với trách nhiệm xem xét, phân bổ nguồn lực, với địa phương khó khăn, Quốc hội sẽ ủng hộ và kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo nguồn lực phân bổ hợp lý", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.