Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Lễ kỷ niệm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Trưởng ban Công tác Đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Quân khu 1, các địa phương.
Trình bày diễn văn khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, với vị trí chiến lược, nơi hội tụ các yếu tố "địa lợi" và "nhân hòa", ATK - Thái Nguyên vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là "Thủ đô kháng chiến", địa điểm ở và làm việc, lãnh đạo đất nước trong chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (từ năm 1946 -1954).
Kể từ sau kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, Trung ương Đảng, Chính phủ chuyển về Thủ đô Hà Nội. Cho đến cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 7 lần trở lại thăm hỏi, động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Lần cuối cùng Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên là vào dịp cuối năm 1963, đầu năm 1964. Ngày 31/12/1963, Người đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh). Ngày 1/1/1964, Người đến thăm cán bộ, công nhân Khu Gang thép, Nhà máy điện Cao Ngạn...
Khắc ghi lời dạy của Bác, với niềm tự hào quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ đoàn kết, kiên trì, vun đắp, xây dựng tỉnh Thái Nguyên. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế khó khăn, Thái Nguyên đã bứt phá vươn mình trở thành tỉnh có bước phát triển nhanh, mạnh mẽ và có vị thế trong khu vực và cả nước.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau 60 năm thực hiện lời căn dặn của Bác, gần 40 năm cùng cả nước thực hiện công cuộc Đổi mới và hơn 25 năm từ ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng nỗ lực hiện thực hóa thành những mục tiêu, khát vọng phát triển để xây dựng tỉnh trở thành trung tâm của không chỉ chiến khu xưa mà còn là của cả vùng Trung du miền núi phía Bắc ngày nay.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục trong nhiều năm, đến năm 2023, quy mô GRDP của tỉnh đạt trên 152.000 tỷ đồng (tương đương gần 6,5 tỷ USD), đứng thứ 2 trong 14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nằm trong 14 tỉnh cao nhất cả nước.
GRDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng (hơn 4.800 USD), đứng đầu khu vực, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Thu ngân sách nhà nước đạt 20.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu trên 27 tỷ USD, đứng đầu khu vực 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, chỉ còn 3,35% theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều. Toàn tỉnh đã có khoảng 93,7% số xã và 6/9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Một tin rất vui báo công dâng Bác là huyện miền núi Định Hóa, nơi có Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa, đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2023.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong suốt chặng đường 60 năm qua.
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên tiếp tục cụ thể hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với tình hình mới và điều kiện thực tế; tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thái Nguyên cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, gắn với thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 6 đột phá phát triển của tỉnh.
Thấm nhuần sâu sắc quan điểm "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", tỉnh cần thường xuyên quan tâm phát huy truyền thống, thế mạnh của bản sắc văn hóa Thái Nguyên. Đặc biệt, Thái Nguyên chú trọng bảo vệ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó có Khu Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là những di sản Hồ Chí Minh, "địa chỉ đỏ" phải được giữ gìn, phát huy, trao truyền cho muôn đời sau.
Đặc biệt, Thái Nguyên cần nhận thức sâu sắc hơn về vị trí chiến lược, trọng yếu của tỉnh về quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế; phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên, chúng ta nguyện đồng lòng đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương sáng ngời để chúng ta học tập và noi theo.
Càng vinh dự và tự hào nhận được tình cảm, quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thái Nguyên càng phải thấy rõ trách nhiệm của mình để thực hiện những điều Người hằng mong muốn.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng, anh hùng, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm trong 60 năm thực hiện lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sớm đưa Thái Nguyên trở thành "một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta" như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.