Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự và phát biểu tại buổi lễ. Tham dự buổi lễ còn có: Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; cùng đại diện lãnh đạo các ban, Bộ, ngành Trung ương.
Diễn văn kỷ niệm do Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ trình bày đã nêu bật những thành tích to lớn mà ngành Cơ yếu đã đạt được trong 70 năm qua và nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Cách đây 70 năm, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, công tác bảo vệ bí mật nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang trở thành một yêu cầu hết sức quan trọng và cấp bách. Để đáp ứng yêu cầu đó, ngày 12/9/1945, tổ chức mật mã đầu tiên được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là tổ chức tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam ngày nay. Ngày 12/9/1945 là thời điểm lịch sử trong chặng đường đầy vinh quang của ngành Cơ yếu Việt Nam.
Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ngày nay ngành Cơ yếu Việt Nam đã trở thành một ngành khoa học kỹ thuật cơ mật đặc biệt, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ... Trong 70 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, dù ở giai đoạn nào, Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận những thành tích đó, Ngành Cơ yếu Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Giải phóng; 16 tập thể và 2 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; hàng ngàn tập thể và cá nhân được tặng Huân chương các loại…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ hai) tặng ngành Cơ yếu Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương, khen ngợi những chiến công xuất sắc của ngành Cơ yếu Việt Nam đã đạt được trong suốt 70 năm qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh: 70 năm qua, dù trong bất cứ điều kiện khó khăn, thử thách nào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; kiên cường, dũng cảm vượt qua mọi hy sinh, gian khổ lập nhiều thành tích xuất sắc trên mặt trận thầm lặng bảo vệ thông tin cơ mật, trọng yếu của Đảng, Nhà nước, đã viết nên truyền thống vẻ vang “Trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo”, góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước nêu rõ, hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, bất trắc, khó lường. Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng, an ninh và đối ngoại được giữ vững, tuy nhiên cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và viễn thông, các thế lực thù địch tăng cường các thủ đoạn nhằm đánh cắp nội dung thông tin bí mật Nhà nước, chiến tranh mạng đã trở nên hiện hữu... Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản quan trọng, với chủ trương đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường công tác bảo mật, an toàn thông tin trong tình hình mới.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, bối cảnh trên đã đặt ra cho ngành Cơ yếu Việt Nam những thách thức to lớn và những nhiệm vụ mới trong việc bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong mọi tình huống. Là một Ngành khoa học kỹ thuật cơ mật, đặc biệt lĩnh vực an ninh quốc gia, trong giai đoạn hiện nay, ngành Cơ yếu cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên đầu tư tạo sự đột phá để đưa Ngành tiến nhanh lên chính quy, hiện đại. Đồng thời, ngành Cơ yếu cần tiếp tục phát huy vai trò của một lực lượng chuyên trách bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước; chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước những nội dung liên quan đến định hướng, chiến lược phát triển trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin quốc gia…
Mặt khác, ngành Cơ yếu cần triển khai tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, Quân đội, Ngoại giao, cơ yếu, thông tin và tuyên truyền trong việc bảo vệ an toàn, an ninh thông tin và bí mật Nhà nước. Ngành Cơ yếu cần khẩn trương huy động tiềm lực khoa học công nghệ trong cả nước để nghiên cứu, thiết kế chế tạo các trang thiết bị mật mã Việt Nam với công nghệ tiên tiến, phù hợp với đặc thù công tác, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển công nghệ thông tin, viễn thông, xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên cơ yếu có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
“Đảng, Nhà nước luôn tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống vẻ vang và rất đáng tự hào, ngành Cơ yếu Việt Nam sẽ không ngừng phát triển, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là một trong các lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm quan Bảo tàng ngành Cơ yếu Việt Nam.