Chủ tịch ABAC 2018: Nhiều thành viên APEC ủng hộ sáng kiến của Việt Nam về phát triển bao trùm

Sáng 5/11, tại Đà Nẵng đã diễn ra phiên họp toàn thể của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) với sự tham dự của các đại diện đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông David Toua, một trong ba đại diện đến từ Papua New Guinea và cũng là Chủ tịch ABAC năm 2018.

Toàn cảnh khai mạc Phiên toàn thể Kỳ họp lần thứ tư Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) sáng 5/11. Ảnh: TTXVN

Theo dự kiến, tại Hội nghị Cấp cao APEC (AELM) sắp tới ở Đà Nẵng, các nhà lãnh đạo APEC sẽ thảo luận sáng kiến về phát triển bao trùm do Việt Nam đề xuất. Ông đánh giá như thế nào về sáng kiến này?

Tăng trưởng bao trùm rất quan trọng đối với rất nhiều nền kinh tế trong APEC. Rất nhiều trong số 21 nền kinh tế thành viên APEC đã ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến này. Đây cũng là một trong những ưu tiên hợp tác mà Việt Nam đề xuất trong Năm APEC 2017. Do vậy, Papua New Guinea sẽ đưa vấn đề này trở thành một ưu tiên hợp tác trong Năm APEC 2018.

Theo ông, APEC cần làm gì để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm?

Đây là một khái niệm rộng lớn. Chúng ta cần xây dựng những chính sách về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và kỹ thuật số hóa nhằm giúp đưa thêm nhiều người tham gia vào nền kinh tế.

Ông có bình luận gì về 20 khuyến nghị mà ABAC dự kiến sẽ đệ trình lên các nhà lãnh đạo APEC trong cuộc gặp sắp tới? 

Có vẻ như những khuyến nghị này ủng hộ ý tưởng về tự do hóa thương mại và tăng trưởng bao trùm. Papua New Guinea sẽ ủng hộ phần lớn những khuyến nghị đó trong Năm APEC 2018.

Ông đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của Việt Nam cho hội nghị lần này của ABAC?

Tôi nghĩ rằng công tác chuẩn bị của Việt Nam trong năm nay là tuyệt vời. Các bạn có một vị Chủ tịch rất rõ ràng. Ông ấy có sự tham vấn rộng rãi, và chương trình nghị sự của Việt Nam cũng rất rành mạch.

Theo tôi được biết, Papua New Guinea sẽ là chủ nhà của Năm APEC 2018. Ông có thể cho biết những ưu tiên hợp tác mà Papua New Guinea dự kiến đề xuất cho sự kiện này?

Năm nay, Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC, năm ngoái là Peru và năm trước nữa là Philippines. Các nền kinh tế này đều ưu tiên cho tăng trưởng bền vững và chú trọng đến những tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Do đó, đây chắc chắn là một ưu tiên (trong Năm APEC 2018).

Một ưu tiên khác đang ngày được quan tâm không chỉ trên thế giới mà còn trong APEC đó là sáng tạo kỹ thuật số. Vì vậy, chắc chắn đó sẽ là vấn đề được chú trọng nhiều hơn trong Năm APEC 2018 mà Papua New Guinea đăng cai.

Đào Tùng - Phương Nga (TTXVN)
APEC 2017: Báo Campuchia đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam
APEC 2017: Báo Campuchia đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam

Nhân dịp Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 sắp diễn ra tại Đà Nẵng, nhật báo Rasmei Kampuchea (Tia sáng Campuchia) - nhật báo tiếng Khmer có số lượng bản phát hành lớn nhất tại Campuchia, ngày 5/11 đã đăng bài viết “Việt Nam, chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN