Chủ động ứng phó trước thiên tai để bảo vệ tính mạng người dân 

Những năm gần đây, tình hình thiên tai tại Việt Nam diễn biến phức tạp, bất thường, cực đoan với 20/22 loại hình thiên tai cơ bản đã xuất hiện, trừ sóng thần và cháy rừng do tự nhiên.

Chú thích ảnh
Nước sông Hồng dâng cao làm ngập úng hoa màu của người dân trồng hai bên bờ sông, đoạn qua thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai). Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Thiên tai có xu hướng gia tăng cả về phạm vi, tần suất xuất hiện và mức độ nguy hiểm như: Siêu bão, mưa đặc biệt lớn, mưa đá, ngập lụt diện rộng, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn… Nhiều đợt thiên tai đã vượt các mốc lịch sử được ghi nhận, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và người dân.

Theo thống kê, trong 20 năm qua, mỗi năm thiên tai đã làm trên 300 người chết, mất tích đã gây thiệt hại về kinh tế trên 15.000 tỷ đồng.

Trước mùa mưa bão năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó với mưa bão, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất để bảo vệ tính mạng người dân và giảm thiểu thiệt hại về tài sản.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện là mùa mưa lũ với diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường, đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống đê điều. Tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đặc biệt hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, yêu cầu thoát lũ đối với hệ thống đê điều đặt ra sức ép cực kỳ lớn với khoảng 21 - 23 triệu dân, vì vậy các tuyến đê này cần được bảo vệ vững chắc.

"Hệ thống đê sông Hồng, sông Thái Bình vỡ một chỗ có thể ảnh hưởng đến nhiều địa phương. Vỡ đê ảnh hưởng đến tính mạng người dân nên việc bảo vệ an toàn cho người dân là vô cùng quan trọng", ông Phạm Đức Luận nói.

Cũng theo ông Phạm Đức Luận, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, các cống dưới đê phần lớn được xây dựng từ 70, 80 năm trước, thậm chí hàng trăm năm trước. Các tuyến công trình này không qua thử thách mùa lũ nên khó có thể đánh giá chính xác mức độ bảo đảm an toàn 100%, do đó cần nâng cao tinh thần cảnh giác và chủ động ứng phó, đặc biệt việc các hồ thủy điện xả nước khi có lũ lớn để bảo vệ công trình.

Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai quy định các địa phương phải lồng ghép phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, quá trình phát triển đô thị phải tính tới việc xây dựng hệ thống tiêu thoát nước. Tuy nhiên, hiện nhiều đô thị ở nước ta đã không chú trọng vấn đề này, vì vậy cứ có mưa to là lại xảy ra ngập lụt, gây ảnh hưởng tới giao thông, đời sống của người dân, thậm chí gây thiệt hại về kinh tế.

Ngập lụt không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng trũng mà còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, kể cả những nơi có địa hình cao như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... Đây là vấn đề cần được nhìn nhận, đánh giá một cách tổng quan trong quy hoạch đô thị; trong đó, cần đặc biệt chú ý tới an toàn trước thiên tai, bao gồm chống ngập, lụt. Đối với địa phương có biển, các khu đô thị ven biển phải bảo đảm phòng, chống bão, triều cường.

Chú thích ảnh
Sạt lở gây nứt nhà và hư hại tài sản của người dân tại Bạc Liêu. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Kế hoạch Phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 đã chỉ rõ các nội dung cần lồng ghép như: Bảo đảm không gian thoát lũ; bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai; xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp làm nơi sơ tán phòng, chống thiên tai cho người dân; phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt lở đất, sóng thần; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước. Cùng với đó là công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành, khai thác, xây dựng công trình phòng, chống thiên tai; hợp tác quốc tế và xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Ông Phạm Đức Luận cho rằng, để đảm bảo hiệu quả việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào phát triển ngành, phát triển kinh tế-xã hội, cần tăng cường kinh phí cho các hoạt động này cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, ngành trong việc chủ động lồng ghép phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp, ngành, đặc biệt là vai trò người đứng đầu đối với việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong giai đoạn lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch.

VH (TTXVN)
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai

Những năm qua, huyện vùng cao biên giới Nậm Nhùn (Lai Châu) tập trung đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sắp xếp, ổn định dân cư tại các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai. Đến nay, trên địa bàn huyện, đời sống người dân ở một số điểm đã sắp xếp dân cư đang dần ổn định, có những thay đổi tích cực, tạo nên sức sống mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN