Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát địa bàn để hỗ trợ kịp thời các địa phương khi có sự cố, đặc biệt là trong thời gian diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung bám sát các loại hình thiên tai thường xảy ra tại địa phương; quan tâm công tác dự báo, cảnh báo sớm, cập nhật về các loại hình thiên tai để tỉnh có chỉ đạo kịp thời.
Các địa phương rà soát các công trình phục vụ phòng, chống thiên tai để duy tu, sửa chữa, nâng cấp; tăng cường tuyên truyền, dự báo sớm và hướng dẫn người dân ứng phó khi có thiên tai xảy ra; phối hợp các đơn vị liên quan khai thông dòng chảy, đảm bảo thoát nước kịp thời, hạn chế tình trạng ngập úng trong mùa mưa.
Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, năm 2024, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh đến các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương để tổ chức thực hiện, chuẩn bị phương án huy động nguồn lực theo phương châm "4 tại chỗ" sẵn sàng ứng phó với các loại hình thiên tai.
Cùng với đó, tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng. Các đơn vị, địa phương đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy cấp tỉnh, huyện, xã; tổ chức chỉ đạo, chỉ huy triển khai các biện pháp ứng phó với các trận thiên tai lớn; huy động và triển khai nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai.
Năm 2023, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai Kế hoạch Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư cho phòng, chống thiên tai, góp phần giảm thiệt hại cho người dân. Trong năm, tỉnh tiếp tục được Trung ương hỗ trợ 600 tỷ đồng để xây dựng 3 kè chống sạt lở và đầu tư bố trí ổn định dân cư khu vực thiên tai, sạt lở bờ sông Cái Côn, huyện Châu Thành; tuyến kè kênh Lái Hiếu, phường Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy và kênh Nàng Mau, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp.
Việc tuyên truyền được các ngành, cấp quan tâm chỉ đạo và thực hiện bằng nhiều hình thức. Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống thiên tai ngày càng được các cấp quan tâm và đầu tư. Trong năm, Ban Chỉ huy thực hiện xây dựng 14 trạm đo mực nước, triều cường tự động; tiếp nhận khai thác 21 trạm đo mưa tự động từ Quỹ cộng đồng phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai; các sở, ngành, địa phương triển khai hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; dạy bơi trong dịp hè cho học sinh tiểu học; tập huấn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thảm họa, sơ cấp cứu cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai.
Năm 2023, toàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 63 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 1.550 m, diện tích mất đất là 9.362 m2. Lốc xoáy làm sập hoàn toàn 25 căn nhà, tốc mái 77 căn trên địa bàn. Ngoài ra, hoàn lưu bão số 1, 2 gây mưa lớn trong nhiều ngày kèm theo gió mạnh đã làm trên 4.561 ha lúa, 2,5 ha cây ăn trái và 61,91 ha rau màu thiệt hại từ 30% đến trên 70%. Tổng thiệt hại do thiên tai là trên 7,4 tỷ đồng.