Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang đề nghị các huyện, thành phố khu vực hạ du thủy điện Tuyên Quang di dời các lồng bè, dân cư vùng trũng, thấp ven sông Lô, sông Gâm để đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Riêng UBND huyện Na Hang, chỉ đạo Hạt Quản lý giao thông huyện có phương án bảo đảm an toàn cho công trình cầu phao Bắc Danh - Nà Cóoc trong thời gian thủy điện Tuyên Quang xả lũ.
Ngoài ra, cũng để chủ động ứng phó với việc xả lũ của hồ thủy điện Tuyên Quang, Sở Giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác cát sỏi trên các tuyến sông, đặc biệt là hạ lưu tuyến sông Lô, sông Gâm có các biện pháp thực hiện neo đậu, tránh trú cho các phương tiện, bảo đảm tuyệt đối an toàn, không được để xảy ra tình trạng phương tiện bị lũ cuốn trôi va đập vào mố trụ gây hư hỏng kết cấu công trình cầu trên sông Lô, sông Gâm. Thanh tra Sở giao thông vận tải cùng Hạt Quản lý giao thông các huyện tăng cường công tác kiểm tra các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, đường tràn dễ bị ngập nước; bố trí lực lượng trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ nước ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các vị trí ngầm, tràn, cầu phao; thực hiện nghiêm công tác trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra, đồng thời sẵn sàng tham gia ứng cứu đảm bảo giao thông...
Những ngày gần đây, lưu lượng nước về hồ thủy điện Tuyên Quang tăng cao, đạt hơn 3.100 m3/s, mực nước hồ thủy điện vượt cao trình 117m. Để đảm bảo hồ chứa và hạ du, đưa mực nước hồ về cao trình về 105,2m trước ngày 15/6, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã có công điện gửi Giám đốc thủy điện Tuyên Quang cho mở hoàn toàn cửa xả đáy thứ nhất vào 17 giờ 30 phút ngày 1/6 và mở tiếp hoàn toàn cửa xả đáy thứ hai vào 7 giờ ngày 2/6 để điều tiết lũ.