Chủ động phản bác thông tin sai lệch

“Lúa tốt sẽ không còn cỏ dại” là ví von của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại phiên chất vấn chiều 20/11 khi trả lời về các giải pháp tăng cường thông tin chính thống, đấu tranh với các thông tin sai lệch trên mạng xã hội cũng như xu thế thông tin “lá cải” của các trang mạng điện tử.


Thực hiện tốt quy chế phát ngôn


Trả lời câu hỏi của các đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh), Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, hệ thống truyền thông xã hội bao gồm các báo điện tử, trang mạng điện tử và blog cá nhân đã mang lại tiện ích cung cấp thông tin nhanh nhạy, phổ quát đến đông đảo nhân dân. Tuy nhiên, mặt trái của truyền thông xã hội, nhất là các blog cá nhân là không có sự kiểm chứng thông tin, dễ bị phần tử xấu lợi dụng để xuyên tạc sự thật, gây mất ổn định xã hội. Chính vì vậy, Nghị định 72 ra đời đã từng bước quản lý hiệu quả thông tin trên Internet. Các trang mạng xã hội từ việc chỉ cần đăng ký thì nay phải được cấp phép. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận các blog cá nhân có máy chủ đặt ở nước ngoài thì việc quản lý vẫn là một thách thức lớn.


Bên cạnh việc thực hiện Nghị định 72, Bộ trưởng cho rằng để ngăn chặn các thông tin sai lệch, cần thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí theo quy chế người phát ngôn đã được Thủ tướng ban hành. Cần tăng cường thông tin chính thống để dẫn dắt dư luận, có kế hoạch đấu tranh phản bác các thông tin sai trái. Các cấp các ngành khi thấy thông tin sai lệch cần sớm thông tin lại đến các cơ quan thông tin đại chúng để bác bỏ. Mặt khác, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trong cộng đồng.


Về phản ánh của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về một số vụ việc nhạy cảm các trang mạng lại thông tin nhanh hơn báo chí, Bộ trưởng lý giải do báo chí phải thực hiện chức năng thẩm định nguồn tin, còn trang mạng không có sự kiểm chứng này nên tuy nhanh nhưng lại không đúng sự thật. Vì vậy, giải pháp chính cũng vẫn là các địa phương, đơn vị cần thực hiện cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin cho báo chí.


Báo động an ninh mạng


Nhắc Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói chậm lại cho cử tri dễ nghe, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói vui: “Ta mới có 3G nhưng Bộ trưởng nói tốc độ 4G”.

Về vấn đề an toàn thông tin mạng, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Việt Nam hiện trong tốp 20 nước dẫn đầu thế giới về sử dụng Internet, trong khi các thiết bị hầu như nhập ngoại nên thách thức về an ninh mạng càng lớn. Vấn đề không còn là nguy cơ nữa mà đã xảy ra nhiều vụ tấn công mạng trong thời gian qua. Trong khi đó, các dự án công nghệ thông tin chủ yếu tập trung vào đầu tư trang thiết bị, còn phần cho an ninh mạng chỉ chiếm khoảng 5%. Và cũng chỉ có khoảng 60% các đơn vị, doanh nghiệp là có bộ phận an ninh mạng nhưng cũng mang tính kiêm nhiệm. Còn người dùng cá nhân lại chủ quan khi cài đặt mật khẩu quá đơn giản, tải các trò chơi, phần mềm trên mạng có chứa mã độc…


Để đảm bảo an toàn cho hệ thống mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 27, thành lập Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), tổ chức diễn tập ứng cứu, xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng, tăng cường hợp tác quốc tế… Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị các cấp các ngành cùng vào cuộc tham gia đảm bảo an toàn thông tin mạng. Bộ cũng đã xây dựng dự thảo (đến lần 3) Luật An toàn an ninh thông tin và rất mong Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2014.


Tăng cước 3G đúng quy định


Trước ý kiến của nhiều đại biểu quan tâm về việc 3 nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, việc tăng cước là phù hợp với các quy định của pháp luật và cam kết với quốc tế là không bán dưới giá thành. Khi mạng 3G ra đời phải giảm giá để thu hút thuê bao, sau đó sẽ tăng dần nhưng đến nay chưa tăng cước lần nào và hiện giá cước Việt Nam rất thấp so với khu vực và thế giới, đồng thời chưa đến 50% giá thành. Ngoài ra, việc tăng cước lần này chỉ tăng ở một số gói cước, tập trung vào đối tượng thu nhập cao (dùng điện thoại thông minh). Thêm nữa, cả ba nhà mạng đều thuộc sở hữu Nhà nước nên có tăng doanh thu cũng đóng góp vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, “việc tăng giá cước 3G là bình thường”, Bộ trưởng kết luận.


Ngọc Tú

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN