Hôm nay (4/11), theo kế hoạch Quốc hội sẽ thảo luận về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (ảnh) (Ninh Thuận), Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về những giải pháp chống lãng phí.
Thưa ông, từ đầu kỳ họp đến nay, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhắc tới chuyện lãng phí trong đầu tư và yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí được coi là biện pháp chủ đạo trong năm 2014 để vượt qua khó khăn. Vậy theo ông, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lần này có giải quyết được những bất cập hiện nay?
Tình trạng lãng phí đang diễn ra nặng nề, thậm chí số tiền lãng phí có khi còn hơn cả tham nhũng nhưng không có số liệu nào chứng minh. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không thể nói là không phát huy hiệu quả nhưng ở chừng mực nào đấy vẫn mang tính kêu gọi. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lần này cũng bổ sung tương đối nhiều quy định nhưng theo tôi vẫn dừng ở sự định tính nhiều hơn là định lượng. Thực tế, bên cạnh Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều cơ chế khác như cơ chế quản lý tài chính, quản lý xã hội, quản lý hành chính nhà nước.
Do đó phải đồng bộ mới thực hành chống lãng phí hiệu quả, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Chúng ta nói về lãng phí nhưng khi giao thẩm quyền cho người đứng đầu quyết định và đã quyết định rồi thì dù lãng phí cũng không ai đụng đến và như vậy không có giá trị gì cả trong tiết kiệm và chống lãng phí.
Ý thức trách nhiệm của người có quyền quyết định mang tính quyết định rất lớn. Ví dụ như tổ chức cuộc hội nghị, hội thảo mà người đứng đầu đã quyết định rồi thì thực sự người đứng đầu có thấy cần thiết hay không. Nếu người đứng đầu ra quyết định triệu tập hội thảo rồi và cho rằng đó là cần thiết thì dù thực sự có lãng phí thì không ai có ý kiến gì cả.
Vậy có chế tài nào khắc phục hiện tượng này không thưa ông?
Đối với lãng phí hiện nay chưa có chế tài rõ ràng. Thực ra những vụ việc mang tính chất quá lãng phí đến mức phải xem xét về mặt trách nhiệm thì lúc đó mới có thể được nhìn nhận đến và xem xét xử lý tùy vào mức độ vi phạm cụ thể. Còn hiện nay mới dừng lại ở mức kiểm điểm rút kinh nghiệm và điều này đồng nghĩa chưa giải quyết được gì.
Trong dự thảo luật lần này có đề ra những định mức chi tiêu, theo ông đã phù hợp chưa?
Định mức chi tiêu chung của nhà nước phải được cụ thể hóa mức chi tiêu nội bộ ở cơ quan. Nó hoàn toàn khác nhau. Nếu dùng định mức chung của Nhà nước thì cũng không thể cụ thể được vì nếu cứ căn cứ vào định mức chi, rồi áp dụng chung chung thì cũng không tiết kiệm được gì cả.
Để chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, cần sự rà soát thanh tra, kiểm tra. Liệu công việc này đã được triển khai có hiệu quả trong thực tế chưa thưa ông?
Thanh tra tài chính, kiểm toán vẫn làm nhưng tôi thấy hiệu quả chưa cao. Thanh tra xong chưa thấy công khai; kiểm toán thì chỉ thấy thông báo và không mấy người tiếp xúc với những kết luận đó.
Như vậy là thiếu sự công khai minh bạch, vậy trong dự thảo luật lần này có khắc phục hiện tượng này?
Theo tôi rất khó để phát hiện, gần như người dân không được tiếp xúc với việc chi tiêu nội bộ cơ quan Nhà nước. Cán bộ cơ quan viên chức biết được sự công khai số liệu thì cũng khó biết được lãng phí đến đâu. Công khai cũng chỉ ở mức độ nào đó. Những người có trách nhiệm có quyền quyết định chi tiêu và bộ phận liên quan tài chính kế toán sẽ tìm cách lý giải việc chi tiêu đó sao cho hợp lý và không ai có thể nói được việc đó có lãng phí hay không lãng phí. Nói là công khai nhưng thực tế mấy ai đã công khai gì đâu, tài chính công khai thu chi chỉ biết vậy thôi và chỉ cán bộ liên quan trực tiếp mới biết cụ thể.
Xin cám ơn ông!
Xuân Minh (thực hiện)