Với nội dung của chương trình phục hồi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng, thường trực Chính phủ, Chính phủ nhiều vòng.
Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh vai trò của chương trình phục hồi kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã trả lời các đại biểu Quốc hội một số nội dung sơ bộ về chương trình phục hồi kinh tế.
Về mặt nội dung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhắc lại 5 nhóm giải pháp chủ yếu: Y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính. Các giải pháp đã cơ bản bao quát hết lĩnh vực cần phải được hỗ trợ, cũng như các mấu chốt của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh, hướng tới phát triển.
Thời gian dự kiến áp dụng chương trình là khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu vào năm 2022 và 2023.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh tùy tình hình cụ thể diễn biến dịch bệnh và yêu cầu đặt ra của một số giải pháp mà có thể phải kéo dài thêm. Ví như các dự án đầu tư công, quy mô lớn, đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, phải thực hiện trong thời gian dài.
Về quy mô đủ lớn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết chưa thể tiết lộ chi tiết. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Chính phủ sẽ huy động các quỹ ngoài ngân sách, tạo điều kiện cho khối tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư công.
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021, Chính phủ thống nhất nhận định, trong bối cảnh khó khăn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả nhiều giải pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì, phục hồi kinh tế - xã hội.
Cùng với kiểm soát dịch bệnh, mở cửa từng bước nền kinh tế, các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, các hoạt động xã hội dần được nối lại trong điều kiện thường mới, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc.
Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 11 tăng 0,32% so tháng 10; 11 tháng tăng 1,84% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp.
Sản xuất công nghiệp được phục hồi ở hầu hết các địa phương, nhất là khu vực phía Nam; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 5.5% so với tháng trước, 11 tháng tăng 3,6%. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt gần 600 tỷ USD, tăng 22,3%, trong đó xuất khẩu tăng 17,5%; tháng 11 là tháng thứ 3 liên tiếp xuất siêu, góp phần vào kết quả 11 tháng xuất siêu 225 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 tăng 6,2% so tháng trước. Thu NSNN 11 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 103,4% dự toán năm. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng 44,6% và tăng 38% về vốn, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng 10; 11 tháng có 146,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động.
Công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đến nay đã hỗ trợ hơn 28 triệu đối tượng theo Nghị quyết 68, với tổng kinh phí giải ngân gần 29 nghìn tỷ đồng. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường (số ca lây nhiễm trong cộng đồng liên tục tăng những ngày qua); việc bảo đảm các cân đối lớn và giữ ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; lạm phát chịu sức ép từ giá nguyên nhiên vật liệu, chi phí logistic tăng cao; giải ngân vốn đầu tư công chậm; nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực khôi phục lại sản xuất kinh doanh nhưng vẫn gặp khó khăn do thiếu lao động, nguyên liệu và vốn...