Thất bại quân sự của Pháp tại Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là một trong những thời khắc lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của nhà nước Pháp trong nỗ lực tái gây dựng thuộc địa tại Đông Dương nói riêng và đế quốc thực dân của mình nói chung sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, qua đó chấm dứt thời đại hơn 400 năm của chủ nghĩa thực dân cổ điển trên thế giới.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Paris, nhà xã hội học Saïd Bouamama khẳng định sự sụp đổ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sau 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt không thể chỉ được phân tích ở cấp độ quân sự thuần túy. Chiến thắng đầu tiên của một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã gióng lên hồi chuông "báo tử" của đế quốc thực dân Pháp. Để nắm bắt được nguyên nhân và tác động của chiến thắng này, ông Saïd Bouamama đã phân tích theo 3 khía cạnh.
Khía cạnh thứ nhất - đó là dựng lại sự kiện theo thời gian bắt đầu từ năm 1945. Chiến tranh Thế giới thứ hai đã làm dấy lên mạnh mẽ khát vọng chống chủ nghĩa đế quốc thực dân và phá vỡ nền tảng thuộc địa. Những rạn nứt đầu tiên không phải nằm ở lĩnh vực quân sự mà ở ý thức hệ, văn hóa và tâm lý. Ở cấp độ ý thức hệ, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không còn được ủng hộ ở châu Âu. Chủ nghĩa phát xít đã làm thay đổi sâu sắc tình hình. Với chủ nghĩa phát xít, lần đầu tiên người da trắng đã áp lên người da trắng khác một sự phân biệt chủng tộc mà trước đó chỉ dành riêng cho người dân thuộc địa. Các nước châu Âu trở thành thuộc địa và phải trải qua những cảnh mà hàng triệu người dân thuộc địa đã chịu đựng trong nhiều thế kỷ qua.
Nhà nước Pháp đã lường trước những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Đó không chỉ đơn giản là sự độc lập của một đất nước thuộc địa, mà còn là tương lai của đế quốc thực dân Pháp. Điều này được minh chứng bằng quy mô của các lực lượng tham chiến tại Đông Dương lên đến hơn 100.000 binh lính. Quân đội viễn chinh Pháp chính là hình ảnh phản chiếu đế chế của mình. Binh lính quốc tịch Pháp chỉ chiếm 25% quân số, số còn lại được huy động từ 17 nước thuộc địa. Chính vì vậy, nhiều người lính Algeria và Maroc đã bỏ trốn và gia nhập hàng ngũ Việt Minh. Đây là một thất bại của đội quân viễn chinh.
Khía cạnh thứ hai - đó là tác động tức thời của chiến trận Điện Biên Phủ. Ông Saïd Bouamama khẳng định rằng chiến thắng của Việt Nam đã thúc đẩy những thay đổi sâu sắc thời kỳ sau đó, không những đối với các dân tộc thuộc địa khác mà còn trong việc đổi mới chiến lược thực dân của Pháp.
Đối với người dân thuộc địa, Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự, mà là một biểu tượng. Chiến thắng của Việt Nam như một lời hứa về một nền độc lập đang đến gần. Hàng loạt sự kiện quan trọng đã diễn ra. Ngay từ khi trận chiến chưa kết thúc hoàn toàn, từ ngày 28/4 đến ngày 2/5/1954, năm quốc gia châu Á mới độc lập (Ấn Độ, Myanmar, Indonesia, Pakistan và Sri Lanka) đã họp tại Colombo, Sri Lanka, và quyết định tổ chức một Hội nghị Các quốc gia độc lập châu Á và châu Phi vào năm 1955. Vài tháng sau đó, cuộc kháng chiến giải phóng Algeria bắt đầu với rất nhiều binh sỹ đã từng tham gia cuộc chiến tranh Đông Dương. Tại hội nghị Á – Phi đầu tiên ở Bandung (Indonesia) năm 1955, các đại biểu Việt Nam đã được chào đón như những người anh hùng.
Về phần mình, Nhà nước Pháp buộc phải thay đổi chiến lược thực dân. Nỗi sợ hãi về sự lây lan của "virus Việt Nam" đã khiến Pháp chấp nhận trả độc lập của các thuộc địa châu Á theo logic "từ bỏ châu Á để giữ châu Phi". Cuộc chiến tranh Algeria và Cameroon sẽ là biểu hiện cụ thể của chiến lược này. Giữ quyền kiểm soát thuộc địa châu Phi là mối quan tâm chính của Pháp sau Điện Biên Phủ.
Song sự lo sợ của Pháp trước các cuộc đấu tranh vũ trang mới ở vùng Nam sa mạc Sahara đã nhanh chóng dẫn đến một thay đổi chiến lược mới. Không thể chống lại khát khao của các nước thuộc địa châu Phi, buộc phải trao trả "nền độc lập", Pháp đã ràng buộc họ bằng Hiệp ước Thuộc địa mở rộng gồm các thỏa thuận hợp tác, tài chính và quốc phòng có lợi cho Pháp. Điều này đánh dấu thời của chủ nghĩa thực dân kiểu mới bắt đầu.
Khía cạnh cuối cùng liên quan đến người chiến thắng và kẻ thua cuộc ở Điện Biên Phủ. Câu trả lời thật rõ ràng: Việt Nam đã thắng và Pháp đã thua. Về phía Việt Nam, câu trả lời có thể được coi là thỏa đáng trước sự hy sinh to lớn nhằm đánh bại Pháp về mặt quân sự. Một chiến thắng không thể phủ nhận của dân tộc Việt Nam, nỗ lực và hy sinh hết mình để giành được độc lập. Các dân tộc thuộc địa khác được hưởng lợi từ chiến thắng của nhân dân Việt Nam.
Về kẻ thua cuộc, 30 năm sau chiến trận Điện Biên Phủ, tướng Bigeard – một trong những chỉ huy tập đoàn cứ điểm – đã tóm tắt ngắn gọn : "Chủng tộc da trắng đã thua ". Kẻ chiến bại thứ hai là Nhà nước Pháp và các tầng lớp xã hội thống trị mà nó bảo vệ. Các phương tiện truyền thông đưa tin dày đặc về cuộc chiến tranh Đông Dương chứng thực cho tầm quan trọng của thuộc địa này đối với Nhà nước Pháp. Báo in, đài phát thanh cũng như điện ảnh đã tuyên truyền và tìm kiếm sự ủng hộ đối với cuộc chiến nhằm mục đích kép là chống lại "hiểm họa đỏ" và bảo vệ đế quốc thực dân Pháp.
Tuy vậy, người dân Pháp chưa bao giờ ủng hộ cuộc chiến này. Phong trào chống chiến tranh Việt Nam rất sôi động. Hàng trăm binh lính đào ngũ và gia nhập quân đội Việt Nam, các công nhân bến cảng và đường sắt từ chối bốc xếp và vận chuyển khí tài quân sự tới Việt Nam. Các cuộc xuống đường biểu tình phản chiến với những vụ đụng độ với cảnh sát diễn ra. Tháng 2/1954, chỉ có 8% người Pháp tuyên bố chấp thuận chiến tranh. Những điều này cho thấy người dân Pháp không thể bị coi là kẻ thua cuộc tại Điện Biên Phủ.
Vậy có thể coi Điện Biên Phủ là một chiến thắng của nhân dân Pháp không? Theo ông Saïd Bouamama, tất cả các yếu tố phá bỏ tinh thần thuộc địa trên thực tế là chiến thắng của nhân dân Pháp. Vấn đề đối với người dân Pháp không phải là chi phí chiến tranh, mà trước hết là sự bó buộc về ý thức hệ thuộc địa, điều ngăn cản một quan điểm tiến bộ thực sự.
Điện Biên Phủ có ý nghĩa lớn lao: một thất bại của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và Nhà nước Pháp; một chiến thắng của các dân tộc Việt Nam và Pháp. Ông Saïd Bouamama nêu bật một bài học của thời kỳ lịch sử này, đó là sự cần thiết của một phong trào phản chiến chống lại các hình thái của chủ nghĩa thực dân mới đang lan rộng ngày nay.