Tọa đàm có sự tham dự của nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long qua các thời kỳ, các nhân chứng lịch sử, thân nhân và gia đình các chiến sĩ đã trực tiếp tham gia trận đánh Cái Sơn.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nêu rõ: Cách đây 60 năm (ngày 16/6/1960), thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Vĩnh Long về “diệt ác, phá kìm”, Đại đội 256 (Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt) phối hợp cùng du kích xã Song Phú đã tiêu diệt Tỉnh trưởng Vĩnh Long Khưu Văn Ba và bắt sống 3 trưởng ty tại cống Cây Sao, xã Song Phú (nay là xã Long Phú), huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đây là một trong những chiến công oanh liệt và có ý nghĩa to lớn trong tiến trình lịch sử của tỉnh Vĩnh Long.
Sự kiện Khưu Văn Ba (Tỉnh trưởng đầu tiên của miền Nam Việt Nam) bị tiêu diệt đã tạo nên một tiếng vang lớn không chỉ trong tỉnh Vĩnh Long mà còn đối với các tỉnh miền Nam; làm cho số tay sai đắc lực khác của chính quyền Sài Gòn phải rúng động, chùn tay. Kế hoạch xây dựng khu trù mật kiểu mẫu Cái Sơn bị phá vỡ, kế hoạch xây dựng các khu trù mật khác cũng lần lượt thất bại theo, tạo ra tiền đề quan trọng cho phong trào Đồng khởi ở Vĩnh Long.
Chiến thắng này đã mở ra một giai đoạn mới trong quá trình đấu tranh cách mạng của tỉnh Vĩnh Long, là bước chuyển mình quan trọng từ đấu tranh chính trị sang phối hợp giữa chính trị, quân sự và binh vận. Chiến thắng là tiền đề của 3 mũi giáp công, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh đổ đế quốc và tay sai, góp phần giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề như: Chủ trương của Tỉnh ủy Vĩnh Long về “diệt ác, phá kìm”; diễn biến, kết quả, ý nghĩa của trận đánh Cái Sơn đối với việc xây dựng khu trù mật của Đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm; vai trò của Đại đội 256 và Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt trong việc tiêu diệt Tỉnh trưởng Vĩnh Long Khưu Văn Ba…
Ông Nguyễn Ký Ức, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt cho biết: Tại Vĩnh Long, chính quyền Ngô Đình Diệm lập khu trù mật Cái Sơn ở xã Song Phú, huyện Tam Bình và khu trù mật Cái Dầu ở xã Tân Lược, huyện Bình Minh. Địch tập trung dân vào “địa ngục trần gian” này để dễ bề khống chế, đồng thời cô lập Đảng và lực lượng vũ trang cách mạng ra khỏi dân. Các khu trù mật Cái Sơn, Cái Dầu là những nơi thí điểm đầu tiên, nếu thuận lợi địch sẽ mở rộng ra trong toàn tỉnh. Chiến thắng Cái Sơn đã làm quân địch ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rúng động và chùn tay bọn ác ôn bên dưới. Đồng thời, chiến thắng Cái Sơn đã mở màn cho cuộc Đồng khởi chuyển mình lịch sử ngày 14/9/1960 thắng lợi, cùng với chiến trường chung xóa sổ chiến lược “Tố cộng, diệt cộng” của Mỹ - Ngụy.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm khẳng định: "Vai trò to lớn của các chiến sĩ Đại đội 256 và Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt trong việc tiêu diệt Tỉnh trưởng Vĩnh Long Khưu Văn Ba là một sự thật không thể phủ nhận. Thời gian qua, một bộ phận nhân dân chưa hiểu rõ về chiến công và tầm vóc của trận đánh quan trọng này, thậm chí có một số thông tin sai lệch, bịa đặt trong trận đánh tiêu diệt Tỉnh trưởng Vĩnh Long ngày 16/6/1960.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long, Tọa đàm là dịp để ôn lại những chặng đường khó khăn, gian khổ của những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới. Đồng thời, Tọa đàm nhằm nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng cách mạng của các thế hệ cha anh, nâng cao lòng tự hào, niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào khả năng tác chiến của các lực lượng cách mạng.