Châu Thành là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Long An

Ngày 31/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến dự lễ công bố huyện nông thôn mới Châu Thành, là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Long An.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao quyết định công nhận huyện nông thôn mới cho lãnh đạo huyện Châu Thành (Long An). 

Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Long An cùng đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Châu Thành.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương những thành tích, kết quả đáng khích lệ mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An nói chung, huyện Châu Thành nói riêng đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong phong trào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Phó Thủ tướng đề nghị huyện Châu Thành cần bám sát định hướng phát triển của tỉnh, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình kinh tế trọng điểm đã đề ra; chú trọng công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thành lập và phát triển doanh nghiệp; tập trung huy động thực hiện có hiệu quả các nguồn lực để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng tốt các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển kinh tế xã hội; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến để xây dựng Châu Thành trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.     

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng III cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Châu Thành vì thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới. 

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Châu Thành đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Long An.

Giai đoạn 2011 - 2018, huyện đã huy động hơn 1.800 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Trung ương là 450 tỷ đồng; ngân sách tỉnh gần 420 tỷ đồng; ngân sách huyện và xã hơn 248 tỷ đồng và gần 731 tỷ đồng do doanh nghiệp và nhân dân đóng góp. Từ đó, kinh tế - xã hội của huyện ngày càng có bước phát triển nổi bật.

Từ một huyện còn mang đậm tính thuần nông, có xuất phát điểm khá thấp, đến nay, Châu Thành đã trở thành một huyện năng động và giàu tiềm năng phát triển. Kinh tế của huyện duy trì phát triển với tốc độ khá cao và ổn định, đạt mức tăng trưởng bình quân trên 8,1%/năm (giai đoạn 2011 - 2019); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt trên 59 triệu đồng.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp, bộ mặt nông thôn Châu Thành ngày càng trở nên khang trang, sạch, đẹp; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững...

Đến nay, huyện Châu Thành có 12/12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.

Thời gian tới, Châu Thành tiếp tục huy động các nguồn lực để phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới. 

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng III cho cá nhân có thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Châu Thành.

Dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Châu Thành vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin, ảnh: Bùi Giang (TTXVN)
Si Ma Cai biến khó khăn thành lợi thế xây dựng nông thôn mới
Si Ma Cai biến khó khăn thành lợi thế xây dựng nông thôn mới

Trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với phương châm “biến khó khăn thành lợi thế”, huyện vùng cao biên giới Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) đang tập trung vào hai mũi đột phá là chăn nuôi đại gia súc và trồng cây ăn quả ôn đới để xóa nghèo nhanh và bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN