Trải qua những năm đổi mới, làng nghề nước ta đã có bước khởi sắc, doanh thu hàng năm đều tăng lên, đời sống của cư dân làng nghề có bước cải thiện. Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề chưa thật sự bền vững, sức cạnh tranh còn kém. Tìm hướng phát triển cho làng nghề trong thời kỳ hội nhập là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại Tọa đàm Làng nghề Việt Nam: truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương và Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức sáng 20/4, tại Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Tọa đàm.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, tính đến hết năm 2014, cả nước có 5.096 làng nghề, trong đó có 1.748 làng nghề đã được công nhận, thu hút một số lượng lớn lao động, thu nhập bình quân của lao động làng nghề thường cao hơn lao động nông nghiệp từ 2-3 lần.
Làng nghề góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Số liệu của cơ quan Hải quan cho thấy, năm 2014, riêng xuất khẩu mây tre, cói thảm đã đạt 250,6 triệu USD và xuất khẩu gốm sứ đạt 508,2 triệu USD. Có nhiều làng nghề trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến như lụa Vạn Phúc, gỗ Đồng Kỵ v.v.; có 38/63 tỉnh đã phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề.
Theo báo cáo sơ bộ của 60/63 Sở Công thương, cả nước có khoảng 2.886 làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp thu hút gần 3 triệu lao động, trong đó có 1.539 làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp được công nhận. Riêng Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề, có trên 175 ngàn hộ sản xuất với gần 800 ngàn lao động với trên 8.000 công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, 164 hợp tác xã và 50 hội, hiệp hội; thu nhập bình quân đạt khoảng 25 triệu đồng/người/năm; trong đó có 287 làng nghề được công nhận.
Bộ Công thương đã đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân cho 37 thợ thủ công mỹ nghệ, trong đó có 30 nghệ nhân là nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, từ năm 2007 đến nay, Hiệp hội đã vinh danh được 57 làng nghề tiêu biểu, 331 nghệ nhân làng nghề Việt Nam, 94 đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu, 89 sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề tiêu biểu, 35 thợ giỏi làng nghề Việt Nam. Hoạt động tôn vinh làng nghề và nghệ nhân làng nghề đã có tác dụng rất lớn trong việc bảo tồn, xây dựng và phát triển làng nghề, chăm sóc nghệ nhân làng nghề gìn giữ và phát triển tinh hoa của nghề truyền thống.
Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng sự phát triển của các làng nghề chưa thật sự vững bền. Chất lượng sản phẩm, hàng hóa của làng nghề còn thấp, mẫu mã đơn điệu, chậm thay đổi, gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, nhất là tiếp cận vay vốn, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao tay nghề; nội tại yếu, năng lực cạnh tranh rất thấp v.v.
Thị trường chậm được mở rộng, làng nghề đang bán những sản phẩm hàng hóa đang có, chưa gắn kết được các công đoạn trong chuỗi giá trị từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên nhiên liệu đến sản xuất và tiêu thụ. Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành và các hiệp định thương mại được ký kết giữa nước ta với nhiều nước được thi hành, làng nghề và các cơ sở trong làng nghề phải chịu sự cạnh tranh rất gay gắt và khốc liệt.
Thách thức trên đặt ra yêu cầu phải nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa làng nghề, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của các làng nghề. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng để làm được điều đó, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề cần rà soát lại toàn bộ sản phẩm hàng hóa, so sánh với mặt hàng của các nước ASEAN, đặc biệt phải nâng cao năng lực nội tại của làng nghề, cơ sở như sản phẩm thủ công mỹ nghệ dùng nguyên liệu mây, tre, gỗ, vàng, bạc v.v. đang có những nước ASEAN cùng sản xuất; lập phương án cải tiến, nâng cao chất lượng từng sản phẩm hàng hóa, nhất là những sản phẩm chủ lực của cơ sở, từ mẫu mã, kiểu dáng đến giá thành, giá bán, tiến tới xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm.
Các làng nghề Việt Nam cần thực hiện liên kết với các cơ sở cùng ngành nghề, trong cùng làng nghề, phố nghề nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh. Bộ trưởng này cũng đề xuất một thỏa thuận hợp tác giữa các Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công thương với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam để thúc đẩy các làng nghề phát triển.
Theo Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, làng nghề vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa đóng góp gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc, khi nhìn nhận về làng nghề, cần nhìn nhận cả hai trục quan trọng này, phải chăm lo cho làng nghề vì kinh tế và văn hóa đất Việt.
Cũng như vậy, việc công nhận nghệ nhân của làng nghề phải công nhận ở cả góc độ kỹ thuật và góc độ văn hóa. Cơ hội phát triển của làng nghề là rất lớn. Trong giai đoạn mới, áp lực cạnh tranh trong nước, ngoài nước là rất lớn. Sản phẩm của làng nghề Việt Nam về cơ bản vẫn như hàng trăm năm trước nhưng cần thay đổi cách sản xuất của làng nghề, chuyển từ phương thức sản xuất của 700 năm sang phương thức sản xuất trong thế kỷ 21.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng qua khảo sát và các ý kiến đóng góp tại tọa đàm, có thể thấy rõ chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi phương thức của làng nghề trong khi sản phẩm làng nghề về cơ bản không thay đổi. Bên cạnh áp lực cạnh tranh, thị hiếu về sản phẩm hàng hóa làng nghề cũng thay đổi, đòi hỏi đa dạng hơn, đẹp hơn, nhẹ hơn, tinh túy hơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà phục vụ nhu cầu trang trí, làm đẹp.
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, áp lực giảm chi phí sản xuất, áp lực về môi trường và áp lực về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất làng nghề cũng đang đặt ra những thách thức cho làng nghề, phải có tổ chức mới ổn định thường xuyên được. Trong khi công nghệ làng nghề cơ bản như cũ, tay nghề cơ bản như cũ thì cách tổ chức sản xuất ở cơ sở phải thay đổi.
Một mặt vẫn khuyến khích phương thức sản xuất căn bản là hộ, mặt khác phải có liên kết để tạo sức mạnh mới trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Liên kết có mặt thuận là giúp giảm chi phí thông qua hình thức chính là hợp tác xã hoặc hộ dân đi với doanh nghiệp đầu đàn. Liên kết hộ với doanh nghiệp hình thành quan hệ vệ tinh, đây là việc có thể làm được ngay, nhưng với điều kiện phải có hình thành doanh nghiệp và có thương hiệu. Còn tự liên kết thành hợp tác xã để thực hiện phương châm giúp giảm chi phí, có nâng cao chất lượng và tiếp thị sản phẩm.
Từng hộ không có đủ thời gian để nghiên cứu mẫu mã sát thị trường và thử nghiệm sản phẩm. Nhưng là hợp tác xã, vài chục hộ có thể cùng góp tiền trả lương người có trình độ đại học đảm nhiệm việc nghiên cứu thị trường, tìm kiếm mẫu mã, sản xuất thử và điều chỉnh công nghệ đến lúc chín muồi, giao cho các hộ còn lại sản xuất hàng loạt – ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Nhấn mạnh yếu tố mẫu mã khâu rất quan trọng của kinh tế thị trường, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định sản phẩm mẫu từng hộ không thể làm được, nếu thực sự làm tốc độ nhanh, chất lượng cao phải qua hợp tác xã hoặc công ty lớn đầu đàn làm. Đổi mới đầu tiên là phải đổi mới phương thức sản xuất ở cơ sở, từ hộ cá thể độc lập sang hộ cá thể liên kết gắn với doanh nghiệp hoặc thành lập hợp tác xã, hình thành hội nghề nghiệp.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh đến việc đổi mới sự phối hợp của các bộ, ngành trung ương và địa phương để hỗ trợ sự phát triển làng nghề. Các bộ, ngành và các tổ chức liên quan cùng ngồi lại với nhau với vai trò khâu nối của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để giải quyết từng vấn đề tiêu biểu ở từng ngành nghề, ký kết thỏa thuận triển khai Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn.
Chu Thanh Vân (TTXVN)