Gia tăng nhanh tần suất, mức độ
Dọc tuyến Kênh Cơi 4 - Quảng Hảo, thuộc ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, tình trạng sụt lún, sạt lở đất không chỉ ảnh hưởng đến giao thông mà còn khiến người dân lo lắng trước nguy cơ tiềm ẩn về sạt lở nhà cửa.
Ông Nguyễn Trung Hậu, ngụ ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi cho biết, tuyến đường trước nhà ông bị sụt lún đúng hôm Mùng 1 Tết Nguyên đán mà không có bất kỳ một dấu hiệu báo nào. Để an toàn cho người đi đường, ông làm rào chắn hai đầu đoạn đường sụt lún để cảnh báo. Tuyến giao thông dọc kênh Quảng Hảo chỉ hơn 2 km nhưng có gần 10 vị trí xuất hiện nhiều điểm đất bị nứt, kéo theo rãnh sâu vào mặt đường nên có thể sụt lún bất kể lúc nào.
Trước mắt, người dân địa phương lo ngại nhất là việc vận chuyển, tiêu thụ lúa, nông sản gặp khó khăn khiến chi phí gia tăng. Ông Nguyễn Nam Chinh, ngụ ấp Bình Minh 2 cho biết, gia đình có khoảng 2 ha đất trồng lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Gia đình chưa biết làm thế nào để đưa máy gặt vào ruộng và vận chuyển lúa bán cho thương lái bởi, con kênh trước nhà giờ đây khô cạn, còn con đường giao thông bị sụt lún.
Thống kê mới nhất từ UBND huyện Trần Văn Thời, tính đến ngày 21/2, trên địa bàn huyện xảy ra 327 điểm sạt lở, sụt lún đất tại 9 xã, thị trấn thuộc vùng ngọt, với tổng chiều dài gần 9.000 m (trong đó, đường bê tông hơn 6.500 m); ước thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân hơn 11,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, con số này liên tục tăng lên từng ngày.
Theo nhận định của ngành chức năng huyện Trần Văn Thời, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún đất do tình hình thời tiết năm 2023 diễn biến bất thường, vào thời điểm những tháng cuối năm còn xảy ra mưa lớn gây ngập úng cục bộ ở một số nơi, huyện phải cho xả nước ở mức hạn chế nhằm đáp ứng nhu cầu người dân nhưng mực nước hạ xuống rất nhanh.
Bên cạnh đó, do nắng hạn đến sớm nên việc bốc hơi nước diễn ra nhanh, cộng với việc bơm tác nước phục vụ sản xuất làm cho các tuyến kênh, rạch vùng ngọt đều khô cạn, trong khi đó, cao độ đáy kênh sâu, sự chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước hiện rất lớn nên làm mất phản áp, gây sụt lún.
Tăng cường giải pháp ứng phó
Vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời từng hai lần xảy ra hạn hán nặng nề vào mùa khô 2015 - 2016 và 2019 - 2020. Tại các năm nêu trên, hầu hết kênh, rạch ở huyện Trần Văn Thời bị khô cạn, gây nên tình trạng sụt lún làm hư hỏng nhiều tuyến giao thông, trong đó, có nhiều tuyến trọng yếu của địa phương, chưa tính thiệt hại về cây trồng, vật nuôi bị giảm năng suất do khô hạn gây nên...
Để tránh thiệt hại có thể một lần nữa tái diễn, UBND huyện Trần Văn Thời chỉ đạo các ngành chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tăng cường biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất, bảo vệ công trình xây dựng, kết cấu hạ tầng giao thông.
Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Trần Tấn Công cho biết đã chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp xã, thị trấn hướng dẫn, quy định, theo dõi việc bơm nước phục vụ sản xuất của người dân, không để bơm nước tràn lan làm khô cạn kênh, mương gây thiệt hại. Đồng thời, ngành chức năng quản lý chặt chẽ phương tiện nạo vét, múc kênh rạch, không để phương tiện thực hiện khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; không để người dân múc, nạo vét đất, cất nhà cặp mé sông, kênh rạch làm tăng nguy cơ sụt lún, sạt lở. Ngoài ra, các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân chủ động, tự giác tham gia phòng, chống sạt lở, sụt lún, bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng…
Ban Thường vụ Huyện ủy Trần Văn Thời ban hành Chỉ thị số 09 về tăng cường các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do hạn hán trên địa bàn huyện và triển khai đến ngành chuyên môn, xã, thị trấn quyết liệt thực hiện.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh Nhứt nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, không lơ là, chủ quan; xem công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do hạn hán là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách trong thời điểm hiện nay.
Trước đó, sau chuyến khảo sát thực tế tình hình phòng ngừa sụt lún đê, đường giao thông nông thôn trong mùa khô trên địa bàn huyện Trần Văn Thời vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện tốt giải pháp phòng ngừa được khuyến cáo; gia cố chân đê; cắt, tỉa hoặc đốn hạ cây thân gỗ lớn trên tuyến có nguy cơ sụt lún. Đồng thời, địa phương thực hiện giảm tải các tuyến, trong đó có giảm tải trọng xe lưu thông trên tuyến đê biển Tây từ 8 tấn xuống 5 tấn nhằm giảm nguy cơ sụt lún tuyến đê do hạn hán, thiếu nước.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng El Nino, từ nay đến tháng 6 khả năng hạn hán gay gắt, thiếu nước tiếp tục diễn ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử yêu cầu chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước ở các kênh theo khuyến cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam. Bên cạnh đó, địa phương chú trọng vận động nhân dân thực hiện biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất; hạn chế tối đa việc lấy nước ngọt tại các kênh rạch ven đường giao thông, đê biển, đê bao, bờ bao; quản lý chặt chẽ việc lấy nước ngọt tại các kênh, sông, rạch có tuyến giao thông quan trọng, nguy hiểm, dễ bị sạt lở. Đặc biệt, địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân trong thu hoạch diện tích khoảng 24.000 ha lúa còn lại cũng như quản lý chặt phương tiện vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tránh bị ép giá sau khi thu hoạch.
Sở Giao thông vận tải cử cán bộ chuyên môn phối hợp chính quyền địa phương khảo sát toàn tuyến và đưa ra giải phòng ngừa sụt lún. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cho cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát công trình, thực hiện biện pháp cần thiết như, duy tu, sửa chữa cũng như gia cố công trình, vị trí xung yếu có nguy cơ cao xảy ra sụt lún...
Mùa khô năm nay còn kéo dài nhưng đến nay, hầu hết tuyến kênh trên vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời hoàn toàn khô cạn, tình trạng sụt lún, sạt lở tiếp tục diễn ra quy mô và tần suất ngày càng cao. Không dừng lại ở đó, kể cả ngay khi mùa mưa mới bắt đầu, tình trạng sạt lở tại vị trí đất rạn nứt sẽ nghiêm trọng hơn, do đó, việc chủ động giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra đang rất cần được triển khai cấp bách.