Cần Thơ: Hỗ trợ các hộ dân bị sạt lở nhà chiều 30 Tết

Ngày 10/2 (mùng 1 Tết Giáp Thìn 2024), Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường đã đến thăm, động viên các hộ gia đình bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông Trà Nóc, khu vực phường Thới An Đông, quận Bình Thủy xảy ra chiều 9/2 (30 Tết).

Chú thích ảnh
Hiện trường đoạn sạt lở bờ sông Trà Nóc. Ảnh: baocantho.com.vn

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận Bình Thủy, vị trí sạt lở xảy ra trên tuyến sông Trà Nóc (phía bờ trái hướng từ Sông Hậu vào), khu vực Thới Bình, phường Thới An Đông.

Lúc 9 giờ 30 phút ngày 5/2 (26 tháng Chạp) ghi nhận đoạn sạt lở chiều dài khoảng 25m, làm sạt hoàn toàn 2 công trình nhà tạm ven sông của 2 hộ dân; 1 công trình nhà tạm khác bị ảnh hưởng rạn nứt phải di dời.

Đến khoảng 14 giờ ngày 9/2 (30 Tết), đoạn sạt lở diễn biến nghiêm trọng, dài thêm khoảng 25m, rộng từ mép sông vào khoảng 7m. Vị trí sạt lở vào sát nhà của 4 hộ, cần phải di dời để đảm bảo tính mạng, tài sản. Vụ sạt lở ảnh hưởng cắt đứt hoàn toàn đoạn đường dân sinh tại khu vực.

Chị Nguyễn Thị Thúy Diễm, một trong các hộ dân bị ảnh hưởng cho biết, trước đó, thấy nền nhà xuất hiện vết nứt, biết sạt lở sắp xảy ra nên mọi người đã di dời đồ đạc, tháo dỡ nhà cửa. Chỉ khoảng một giờ sau thì sạt lở xảy ra, nhấn chìm 2 căn nhà nằm phía ngoài bờ sông và con đường bê tông qua khu vực. Hiện tại gia đình chị Diễm đi thuê trọ ở nơi khác để đảm bảo an toàn vì những căn nhà phía trong có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở.

Ngay sau khi sạt lở xảy ra, UBND phường Thới An Đông đã chỉ đạo lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng tháo dỡ, di dời khẩn cấp các vật dụng, đồ dùng đến nơi an toàn; vận động các nhu yếu phẩm hỗ trợ cho các hộ bị ảnh hưởng.

Để ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố, đảm bảo tính mạng tài sản của người dân, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận Bình Thủy đề xuất UBND thành phố Cần Thơ và Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố hỗ trợ di dời cho 6 hộ dân có nhà bị ảnh hưởng sạt lở, mỗi hộ 20 triệu đồng.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường đề nghị chính quyền địa phương tìm chỗ trọ để tạm ổn định cho các hộ dân trong những ngày Tết. Về lâu dài, UBND phường Thới An Đông và quận Bình Thủy khảo sát, nắm kỹ tình hình, hoàn cảnh của từng hộ, tham mưu giải quyết nơi ở ổn định lâu dài cho người dân.

Lãnh đạo thành phố Cần Thơ cũng yêu cầu chính quyền địa phương rào chắn khu vực bị ảnh hưởng, kịp thời hỗ trợ người dân khi có tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, trước mắt, mỗi hộ bị ảnh hưởng đã được hỗ trợ 20 triệu đồng như đề xuất của quận Bình Thủy.

Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, các hoạt động làm gia tăng tải trọng lên mép bờ sông như xây nhà ở, lấp đất lấn chiếm lòng sông là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Ven các tuyến sông ở Cần Thơ như sông Trà Nóc, sông Bình Thủy, sông Ô Môn, sông Cái Sắn, rạch Tắc Ông Thục, kênh Thơm Rơm..., có rất nhiều căn nhà được xây dựng quá sát mép bờ sông, thậm chí lấn hẳn ra cả lòng sông.

Để ứng phó, hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra, những năm qua, thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức cắm biển cảnh báo ở các điểm sạt lở nguy hiểm, lập bản đồ dự báo vùng sạt lở, hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả sạt lở… Đồng thời, triển khai xây dựng kè chống sạt lở kiên cố và bán kiên cố cũng như tổ chức gia cố các điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 12,5 km; trong đó, các tuyến kè kiên cố bằng bê tông cốt thép có chiều dài hơn 8,5 km, tổng vốn đầu tư hơn 848 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ kiến nghị, đối với các điểm sạt lở theo các con sông lớn, có địa hình phức tạp, diễn biến sạt lở nhanh như sông Cần Thơ, sông Trà Nóc, sông Bình Thủy, sông Ô Môn…và các cồn, cù lao trên sông Hậu là những điểm có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần được ưu tiên đầu tư kè chống sạt lở.

Đối với các điểm sạt lở bình thường trên các tuyến kênh, rạch nhỏ có thể xử lý sạt lở bằng các giải pháp xây bán kiên cố, kè bảo vệ bờ bằng vật liệu thô sơ tại địa phương, kết cấu đơn giản (cừ dừa, cừ bạch đàn, cừ tràm kết hợp rọ đá...) kết hợp cắm biển cảnh báo sạt lở và di dời dân cư để đảm bảo an toàn.

Thanh Liêm (TTXVN)
Khắc phục sạt lở núi Van Cà Vải sau phản ánh của phóng viên TTXVN
Khắc phục sạt lở núi Van Cà Vải sau phản ánh của phóng viên TTXVN

Sau phản ánh của phóng viên TTXVN tại Quảng Ngãi về việc 7 hộ dân với 21 nhân khẩu Tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà phải sống thấp thỏm dưới chân núi lở suốt 3 năm qua; các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đã vào cuộc kiểm tra. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có Quyết định phân bổ kinh phí của Trung ương hỗ trợ khắc phục tình trạng sạt lở núi Van Cà Vải để ổn định đời sống người dân nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN