Theo bà Đồng Thị Kiều Oanh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng, năm 2019, tỉnh Cao Bằng đã tiến hành sáp nhập đối với 6 huyện để thành lập 3 huyện mới (giảm ba huyện); 76 đơn vị hành chính đơn vị xã, thị trấn để thành lập 38 xã, thị trấn mới, giảm 38 xã. Sau sáp nhập, Cao Bằng đã giảm đầu mối cấp trực thuộc, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, sau sáp nhập, tỉnh gặp khó khăn trong bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư; phát sinh kinh phí sửa chữa cải tạo, trụ sở làm việc; kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp còn hạn chế.
Tỉnh Cao Bằng đề nghị Trung ương cho phép tỉnh Cao Bằng giữ nguyên tổ chức các đơn vị cấp huyện, cấp xã như hiện nay; kiên quyết chỉ đạo sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có 2 tiêu chí dưới 50% sắp xếp lại. Bên cạnh đó là kéo dài thời gian thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đầu tư đối với các đơn vị hành chính; kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xem xét nâng định mức hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đối với xã, xóm thuộc diện đầu tư của chương trình đã thực hiện sáp nhập với hệ số ít nhất 1,5 lần các nội dung phân bổ theo số lượng đơn vị hành chính...
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thuý, tỉnh Cao Bằng cần đề xuất cụ thể các chính sách liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính ngoài các chính sách mục tiêu quốc gia đang thực hiện; có giải pháp giải quyết thủ tục hành chính tại đơn vị hành chính sau sáp nhập, xây dựng khu vực phòng thủ đảm bảo an ninh-quốc phòng...
Phó Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hoàng Văn Hương cho rằng, Trung ương và địa phương chưa đánh giá được những khó khăn, hạn chế từ khi lập đề án sắp xếp các đơn vị hành chính. Vì vậy, Cao Bằng cần xác định thêm việc ảnh hưởng trong thực hiện các chính sách dân tộc tại các xã sau sáp nhập, những tác động của sắp xếp, sáp nhập đến hộ cá nhân (về bảo hiểm y tế, giáo dục, tín dụng)...
Đồi với chủ trương chưa tuyển dụng thêm công chức, viên chức trong bối cảnh dôi dư cán bộ tại các đơn vị hành chính sáp nhập, Cao Bằng cần cân nhắc, vì ngừng chưa tuyển dụng đồng nghĩa với việc tỉnh không thu hút được những cán bộ trẻ có tài, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội quê hương; dẫn đến tình trạng có khoảng thời gian, tỉnh "hẫng" cán bộ tiếp nối giữa các thế hệ. Các đại biểu cũng cho rằng, Cao Bằng cần mạnh dạn trong thực hiện các biện pháp tinh giản biên chế, cùng với đó là tăng mức hỗ trợ để thu hút nhân tài về làm việc tại tỉnh…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều cố gắng trong thực hiện các nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Sau sáp nhập, tình hình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng cơ bản ổn định, người dân có sự đồng thuận cao.
Tuy nhiên quá trình sắp xếp còn những tâm tư, khó khăn về chính sách, tổ chức thực hiện chính sách, công tác xử lý cán bộ, trụ sở dôi dư, kinh phí đầu tư sau sáp nhập. Việc đáp ứng dịch vụ y tế, thủ tục hành chính có nơi còn lúng túng; một bộ phận người dân bị ảnh hưởng về thu nhập kinh tế. Một số chính sách thực hiện cho người dân bị giảm sút (đầu tư, y tế), định hướng phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng còn hạn chế…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, các bộ ngành có liên quan hệ thống các ý kiến đề xuất của tỉnh Cao Bằng thành các văn bản cụ thể báo cáo Chính phủ, Thường vụ Quốc hội xem xét giải quyết; tổ chức rút kinh nghiệm chỉ ra những thuân lợi, khó khăn để làm căn cứ xây dựng các tiêu chí, chính sách cho giai đoạn sau của đề án...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh tinh thần sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ là nhập bộ máy, giảm biên chế mà cần có tư duy mới là tổ chức lại không gian phát triển kinh tế -xã hội. Trong việc tổ chức lại không gian phát triển chú ý đến giành quyền chủ động cho địa phương…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị tỉnh Cao Bằng phát huy tinh thần đoàn kết, học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của các địa phương trong việc sắp xếp cán bộ dôi dư. Trong đó, lưu ý sắp xếp cán bộ gắn với nâng cao năng lực cán bộ, hiệu quả công việc... Tỉnh cần có giải pháp về dịch vụ y tế, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; áp dụng khoa học công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính. Về sắp xếp trụ sở dôi dư, những vấn đề thuộc thẩm quyền, Cao Bằng cần giải quyết ngay, ưu tiên việc phục vụ người dân.
Tỉnh cũng cần hoàn thiện quy hoạch, bản đồ địa giới, tổ chức lại không gian phát triển kinh tế - xã hội tại các đơn vị hành chính sáp nhập để nâng cao chất lượng quản lý gắn với yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh-quốc phòng… Đồng thời Cao Bằng cần có kế hoạch cụ thể hoá Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tỉnh có thể kết hợp với các địa phương lân cận để phát triển du lịch, phát triển kinh tế cửa khẩu...