Đó là thông tin được ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra tại Diễn đàn Nhà báo với môi trường, biển đảo lần thứ II diễn ra ngày 22/6, tại Hà Nội.
Ông Hoàng Văn Thức cho biết, vấn đề phế liệu nhập khẩu tại các cảng lớn gần đây được dư luận quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường giao cho Cục Môi trường miền Nam và Cục Môi trường miền Bắc xem xét. Hai cục này đã nắm được thông tin phế liệu đang tồn động tại các cảng.
“Hôm 17/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Tổng cục Môi trường phối hợp với Tổng cục Hải quan đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. Ngay sau cuộc họp này, chúng tôi cũng tổ chức đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu tại TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, đây là 2 địa bàn trọng điểm, đang có tồn đọng về phế liệu nhập khẩu”, ông Thức cho hay.
Quang cảnh Diễn đàn Nhà báo và Môi trường, biển đảo diễn ra sáng 22/6.
|
Ông Thức cho biết thêm, trong khoảng thời gian sớm nhất, khi có kết quả thì Tổng cục Môi trường sẽ tổng hợp báo cáo Bộ trưởng để Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, để xem xét có thể phải điều chỉnh các quy định của pháp luật hoặc phát hiện lỗ hổng trong cơ chế chính sách và kiến nghị với lãnh đạo cho phù hợp.
Mới đây, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã gửi báo cáo lên Tổng cục Hải quan về tình hình nhiều container hàng phế liệu nhập khẩu ùn ứ, chưa làm thủ tục hải quan theo quy định. Tính đến nay có hơn 3.100 container hàng phế liệu nhập về đang được lưu giữ tại đây, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Cụ thể, tại Chi cục Hải quan Khu vực 1, Khu vực 3 và Khu vực 4, thuộc Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh có hơn 985 container phế liệu được lưu giữ trong thời gian từ 30 đến 90 ngày.
Số lượng container hàng phế liệu nhập khẩu tồn đọng quá 90 ngày tại các Chi cục Hải quan khu vực 1, 3 và 4 của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 2.255 container. Đây là các loại container phế liệu thuộc diện cấm nhập, sai mã số hải quan được nhập về các cảng ở TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 5/2018, cả nước nhập hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, kim ngạch hơn 744 triệu USD (đạt hơn 16.900 tỉ đồng), trong đó, nhập khẩu phế liệu nhiều nhất của Nhật Bản, với hơn 546.000 tấn, đạt giá trị kim ngạch 200 triệu USD.
Việt Nam là một trong những quốc gia cho phép nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất. Đến nay cả nước có 928 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên, bên cạnh những danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu, không ít doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa không đạt chất lượng theo quy định, thậm chí làm giả hồ sơ để nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.