Ngày 24/12/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 với 7 mục tiêu và 22 chỉ tiêu cụ thể về bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm cụ thể hóa mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới theo quy định của Điều 4 Luật Bình đẳng giới cho giai đoạn 2011- 2020.
Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Góp ý cho báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội, các đại biểu cho rằng, công tác bình đẳng giới đã đạt được một số kết quả trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; hình thành và kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác bình đẳng giới; đã thực hiện được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới khi xây dựng chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều hạn chế, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, cần xác định xem các mục tiêu, chỉ tiêu đưa ra thời gian qua đã có mục tiêu nào trở nên lạc hậu chưa, ngay cả thứ tự các mục tiêu cũng phải xem lại.
“Đầu tiên phải là chỉ tiêu về quyền lao động, thu nhập của phụ nữ. Thứ 2 là quyền bảo vệ an ninh và bảo vệ thân thể. Thứ 3 là quyền sở hữu về tài sản. Thứ 4 là quyền học tập. Tiếp đến mới là quyền tham chính (quyền chính trị)- mà hiện nay mục tiêu này với các chỉ tiêu thành phần đang ở vị trị đầu tiên. Vì vậy, cần rà soát lại hết những chỉ tiêu này, có những chỉ tiêu là hình thức không khi nào đạt được”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, bạo lực với phụ nữa và trẻ em gái vẫn là vấn đề nổi lên trong thời gian qua. Vì thế, báo cáo của Chính phủ cần nêu rõ thực trạng, giải pháp cho vấn đề này thế nào.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cũng đề xuất bình đẳng giới hiện đang nhìn từ số liệu chung của cả nước, nếu được nhìn từ từng địa bàn thì sẽ thấy nhiều vấn đề. Thậm chí, cần được nhìn theo vị trí việc làm của phụ nữ như: Phụ nữ làm quản lý, phụ nữ làm chuyên môn thế nào. Hiện nay lĩnh vực y tế, nghiên cứu khoa học phụ nữ rất nhiều. Hay nữ trong giới công nhân, nông dân, phụ nữ làm nội trợ. Từ đó rút ra vấn đề nhận thức (phụ nữ có nỗ lực vươn lên hay không), chế độ chính sách và điều kiện (có nơi vì chế độ chính sách mà doanh nghiệp không thuê phụ nữ), phụ nữ được đào tạo thế nào; kỹ năng của phụ nữ trong quản lý ra sao.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Báo cáo này cần tiếp tục được hoàn thiện để báo cáo trước Quốc hội.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng yêu cầu cần rà soát lại các nội dung, có phụ luc rõ ràng, phân tích kỹ các chỉ tiêu vì sao không đạt; sắp xếp lại các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện về bình đẳng giới sao cho hợp lý...
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong tổng số 22 chỉ tiêu của 7 mục tiêu, chỉ có 4 chỉ tiêu đạt và 1 chỉ tiêu tiệm cận kế hoạch. Có đến 50% số chỉ tiêu chưa có số liệu hoặc số liệu chưa phù hợp với tiêu chí và 16% số chỉ tiêu khó đánh giá kết quả.
Trong đó, về lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016-2021 và tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong cả 2 nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021 đều chưa đạt chỉ tiêu mặc dù có xu hướng tăng.
Tỷ lệ bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt cao nhất là 50% vào năm 2013 và 2014 nhưng lại giảm dần trong 3 năm gần đây (hiện là 36%, so với 40% năm 2016, 47% năm 2015) và so với chỉ tiêu 95% vào năm 2020 thì khoảng cách còn rất xa.
Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới cũng chỉ ra tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên, trong đó phần lớn là lao động nữ đang là một vấn đề lớn đáng báo động cho thị thường lao động hiện nay.
“Kết quả khảo sát ở một số doanh nghiệp cho thấy có nơi tới 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc. Nguyên nhân chính là do cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt. Vấn đề này Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để sớm có những giải pháp và can thiệp để bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động nữ”, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết.