Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm chính về nợ công

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ thống nhất quản lý nợ công, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nợ công và phải chịu trách nhiệm chính về nợ công.

Chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Báo cáo một số nội dung liên quan đến quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nợ công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách cho rằng việc quy định thống nhất đầu mối quản lý nợ công là cần thiết nhằm đảm bảo thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Theo đó, dự kiến thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công là: Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, bao gồm cả huy động vốn vay trong nước, vay nước ngoài, gắn trách nhiệm huy động, quản lý vốn vay, quản lý rủi ro và kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công với nghĩa vụ trả nợ của ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính cũng chủ trì huy động, đàm phán ký kết các khoản vay trong nước, vay nước ngoài bao gồm cả vay ODA, vay ưu đãi và vay thương mại nước ngoài.

Các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ phối hợp trong quản lý nợ công theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, quản lý nợ công là vấn đề rất quan trọng, nhất là khi nợ công tăng cao, sát trần. Vừa qua, quản lý nợ công có tồn tại, hạn chế, nên Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) ra đời là để khắc phục tồn tại, hạn chế này. Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế đó.

“Trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ và Chính phủ là phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và có gì khác thì phải báo cáo Bộ Chính trị”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, quản lý nợ công hiện nay còn có sự chồng chéo. Vay ODA nhiều năm vượt dự toán là do công tác quản lý không tốt. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban Tài chính, ngân sách phải có văn bản báo cáo Chính phủ sắp sửa vượt trần 300.000 tỷ vay ODA. Nếu Chính phủ vay vượt mà không báo cáo Quốc hội là không thực hiện đúng tinh thần của Quốc hội. Đề nghị Ủy ban Tài chính, ngân sách phải canh chừng cái này, sắp đến điểm G là phải có văn bản chính thức để thông báo”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Luật này có kế thừa Luật quản lý nợ công nhưng có điểm phải đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nợ công. Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nợ công và phải chịu trách nhiệm chính về nợ công.

Sự phối hợp của các bộ thì giao cho Chính phủ phân công cụ thể nhưng phải đúng tinh thần Nghị quyết 07 là đảm bảo rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức của các bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương theo hướng tinh gọn gắn với thực hiện chi ngân sách, vay nợ công và quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công.

 “Vì vậy cần rà soát lại Điều 11, 12 một cách nghiêm túc. Ủy ban Tài chính, ngân sách trên cơ sở tinh thần phiên họp hôm nay cùng với Bộ Tài chính hoàn chỉnh dự thảo Luật và có báo cáo Bộ Chính trị”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.


Theo quy định hiện hành, nội dung quản lý nhà nước về nợ công bao gồm 11 nhóm nhiệm vụ được thể hiện tại Điều 4 Luật Quản lý nợ công, trách nhiệm quản lý nợ công được giao cho 3 cơ quan.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì giúp Chính phủ quản lý thống nhất về vốn ODA, vay ưu đãi: xây dựng danh mục yêu cầu tài trợ từ nguồn vốn vay ODA; tổ chức vận động, điều phối nguồn, vay ưu đãi; đàm phán, ký kết điều ước quốc tế khung; thẩm định nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi, vốn đối ứng và khả năng cân đối; tổng hợp, phân bổ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi trung hạn 5 năm và hàng năm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì chuẩn bị nội dung đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế (Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á,...) và là đại diện chính thức của bên vay tại các tổ chức này.

Bộ Tài chính giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; chủ trì huy động toàn bộ vốn vay trong nước; đàm phán, ký kết các hiệp định vay cụ thể vốn ngoài nước, trừ các hiệp định vay với các tổ chức tài chính quốc tế do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì đàm phán; giải ngân, kế toán, quyết toán; và cân đối nguồn vốn  trả nợ.

Việc giữ nguyên mô hình tổ chức 3 đầu mối như hiện nay là chưa thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng về đổi mới quản lý nợ công. Việc quy định nhiều đầu mối trong quản lý nợ công chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy gọn nhẹ, tinh giản đầu mối.

Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, việc vay vốn ODA ngày càng hạn hẹp, đặt ra yêu cầu phải tiếp cận các nguồn vốn vay thương mại theo điều kiện thị trường. Tuy nhiên, do phân tán đầu mối trong huy động, quản lý nợ công nên dẫn đến không thể kịp thời, linh hoạt và chưa chủ động trong việc lựa chọn các phương án vay vốn, cân đối, bố trí, sử dụng nguồn vốn vay.


Xuân Phong/Báo Tin Tức
Bộ Tài chính 'thúc' báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Bộ Tài chính 'thúc' báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 8 tháng năm nay được 137.076 tỷ đồng, đạt 38,4% tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2017, trong khi đó, theo Nghị quyết của Quốc hội là 357.150 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN