Tại Hội nghị, ông Đỗ Việt Anh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho sự phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này; đảm bảo quốc phòng, an ninh; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tạo điều kiện tiếp cận đất đai một cách bình đẳng, minh bạch, phát huy tối đa nguồn lực đất đai.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: Phạm vi, bố cục, nội dung, kỹ thuật trình bày; việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về sở hữu toàn dân về đất đai; quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước và quyền của nhân dân được sử dụng đất công bằng, hiệu quả, bền vững... Nhiều ý kiến tập trung vào các quy định của pháp luật về trường hợp thu hồi đất đai để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Ông Lê Chí Vịnh, Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Bình, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đồng ý với quy định về sở hữu đất đai, tuy nhiên các quy định của dự thảo cần thể hiện quyền năng về sở hữu đất đai phải được bảo đảm thực hiện trên thực tế mà không bị ràng buộc quá nhiều trình tự thủ tục hành chính, làm cản trở quyền năng sở hữu đất đai của Nhà nước, nhất là trong việc thu hồi, trưng dụng đất. Đối với đất được giao cho cộng đồng dân cư (điểm 8, khoản 3) dự thảo giao đất này cho người dân đại diện của cộng đồng dân cư chịu trách nhiệm quản lý là chưa đủ. Bởi người đại diện cho các cộng đồng dân cư thường là trưởng thôn, trưởng bản, trưởng phố... đội ngũ ngày chỉ là cánh tay nối dài của cấp chính quyền cơ sở, không ổn định, thiếu chuyên nghiệp (trên thực tế, đất này thường xen kẹt trong khu dân cư, dễ bị lấn chiếm). Do vậy, việc giao đất này cho họ quản lý là cần thiết, song bên cạnh đó cần giao thêm trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp cơ sở.
Ông Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Ninh Bình cho rằng, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực to lớn trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và tác động nhiều đến đời sống nhân dân. Trao đổi cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, tại khoản 1, điểm b, Điều 36 có ghi: "Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có quyền: Thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam". Ông Dung đề nghị không nên cho tổ chức kinh tế có quyền này, vì giá trị tài sản gắn liền với đất không lớn, trong khi giá trị quyền sử dụng đất lớn hơn, khi tổ chức kinh tế trả tiền thuê đất hàng năm được thế chấp để vay vốn tín dụng, nếu không may làm ăn thua lỗ thì tổ chức tín dụng khó đòi được nợ.
Đại diện Ban Thường trực MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình đánh giá, Hội nghị đã thu được nhiều ý kiến sát thực tế hiện nay, các ý kiến đều tâm huyết, trách nhiệm tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội nghị đạt được 2 yêu cầu quan trọng gồm lấy ý kiến theo quy định và góp phần tuyên truyền, truyền tải tinh thần góp lý vào dự thảo đến người dân, từ đó người dân hiểu thêm, tiếp tục có trách nhiệm góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến góp ý tại Hội nghị sẽ được tổng hợp đầy đủ, khách quan, chính xác.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình yêu cầu, thời gian tới, MTTQ và các tổ chức thành viên có trách nhiệm lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân, đoàn viên, hội viên thông qua nhiều hình thức khác nhau, không chỉ dừng lại ở tổ chức các hội nghị theo kế hoạch chung của tỉnh và độc lập với hội nghị của chính quyền các cấp, không lồng ghép.
Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục có văn bản để lấy ý kiến thêm bằng văn bản đến các tổ chức thành viên, ủy viên Ủy ban MTTQ, thành viên Hội đồng Tư vấn, trong đó tập trung vào nội dung: Bất cập trong thực tiễn hiện nay, kể cả bất cập nếu có trong bộ máy hành chính để vận hành; những vấn đề người dân quan tâm liên quan đến lợi ích của nhân dân; nội dung cần góp ý trong dự thảo Luật; kiến nghị để góp phần vào điều chỉnh các Luật khác liên quan cho đồng bộ. Sở Tài nguyền và Môi trường có văn bản mang tính định hướng các nội dung cần thảo luận trong Luật để các tổ chức thành viên có căn cứ gợi ý, đề dẫn.