Làm rõ khái niệm trong Luật Biên phòng Việt Nam
Theo ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.
Về tên gọi của Luật, đa số ý kiến nhất trí với tên gọi “Luật Biên phòng Việt Nam”; một số ý kiến cho rằng tên Luật có phạm vi rộng, chưa phù hợp với nội dung dự thảo Luật và đề nghị sửa lại là “Luật Bộ đội Biên phòng” hoặc “Luật Bộ đội Biên phòng Việt Nam” hoặc “Luật Lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam”.
Thường trực UBQPAN cho rằng, tên gọi “Luật Biên phòng Việt Nam” đã được xác định tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và phù hợp với đa số ý kiến của ĐBQH.
Việc xây dựng Luật này không chỉ luật hóa Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) mà còn nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ tên Luật như dự thảo Chính phủ trình.
Về khái niệm “Biên phòng” (khoản 1 Điều 2), đa số ý kiến nhất trí như dự thảo Luật; một số ý kiến đề nghị chỉnh lý lại khái niệm “Biên phòng” cho rõ ràng, phù hợp tên Luật và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý lại khái niệm này như sau: “Biên phòng là tổng thể các hoạt động bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (Điều 1), nhiều ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; một số ý kiến đề nghị chỉnh lý phạm vi điều chỉnh để bảo đảm thống nhất với nội dung của dự thảo Luật và tránh chồng chéo với Luật Biên giới quốc gia.
Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để phù hợp với tên Luật, khái niệm “Biên phòng”, Thường trực UBQPAN đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý một số nội dung của dự thảo Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 33-NQ/TW, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác, nhất là Luật Biên giới quốc gia, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi.
Theo đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sửa lại Điều này như sau: “Điều 1. Phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, hoạt động, bảo đảm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng”.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: Dự án Luật Biên phòng Việt Nam sau khi trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, nay đã có tiếp thu, nghiên cứu và chỉnh sửa, hoàn thiện lại chất lượng tốt hơn dự thảo lần trước. Về cơ bản đã thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần làm thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại biên giới, khu vực cửa khẩu để vừa bảo đảm được độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, an ninh trật tự… “Làm thế nào để tránh sự chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Tôi hiểu là bây giờ chúng ta đang xây dựng một nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nên trách nhiệm ở đây không chỉ có duy nhất một lực lượng làm nhiệm vụ ở khu vực này. Có thể nói đây là sức mạnh tổng hợp của cả đất nước, của nhiều lực lượng, của nhân dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Các ý kiến phát biểu tại Phiên họp cũng nêu quan điểm cần phân định rõ việc gì do cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, cơ quan nào là phối hợp. “Ở đây có hai điều trong dự thảo Luật có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ của BĐBP và Bộ Công an. Trong đó, Điều 13 quy định nhiệm vụ của BĐBP và Điều 29 quy định trách nhiệm của Bộ Công an. Vậy chỗ này phải làm rõ hơn, mặc dù có chỗ theo quy định của pháp luật, nhưng giữa Điều 13 và Điều 29, chúng ta dùng từ chủ trì thì không biết lực lượng nào chịu trách nhiệm chính”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn chứng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: Về nguyên tắc, ở trên cửa khẩu khu vực biên giới thì BĐBP chịu trách nhiệm chính. Nhưng đi vào từng nhiệm vụ cụ thể thì lực lượng nào chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đơn vị và Ban soạn thảo Luật rà soát lại để chỉnh lý cho phù hợp hơn.
“Ví dụ phòng chống dịch xảy ra ở khu vực biên giới, cửa khẩu thì Bộ Y tế chủ trì chính còn các lực lượng khác phối hợp không? Chỗ này phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quản lý nhà nước của từng bộ ngành để phân định cho hợp lý hơn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến.
“Sau Kỳ họp thứ 9, dưới sự chủ trì của Ủy ban QPAN, Ban soạn thảo dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã phối hợp cùng với các bộ, ban, ngành, cơ quan tổ chức rất nhiều cuộc làm việc trong đó có ba cuộc tọa đàm, khảo sát và hội thảo tại Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Kiên Giang. Theo tôi, tất cả ý kiến các bộ ngành và các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường Kỳ họp Quốc hội thứ 9 cũng đã được nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý theo quy định của pháp luật, kế thừa toàn bộ văn bản pháp luật hiện có kể cả Hiến pháp cho đến các luật có hiệu lực thi hành như Luật biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh quốc gia 2004, Luật Quốc phòng 2018..”, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Phiên họp
Tránh tình trạng “tranh công đổ lỗi”
Giải trình và tiếp thu các ý kiến đóng góp vào dự án Luật Biên phòng Việt Nam, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội cho rằng: Trong quá trình thẩm tra dự án Luật, UBQPAN và Ban soạn thảo đã xử lý từ ngữ rất chặt chẽ để không có xung đột giữa Biên phòng và Hải quan như ý kiến một số đại biểu nêu.
Chủ nhiệm UBQPAN cho biết: Xuất nhập cảnh là lĩnh vực thuộc về biên phòng còn xuất nhập khẩu của hải quan. Thế nhưng, để đảm bảo đảm an ninh xuất nhập cảnh thì trong lĩnh vực này có chồng chéo nhau. Ví dụ, nếu có thông tin chính xác lô hàng có liên quan tới an ninh mà biên phòng phát hiện, khi đó biên phòng yêu cầu thì biên phòng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chuyện này. Nếu không phát hiện ra vấn đề nghi vấn thì biên phòng phải chịu trách nhiệm. Buộc lòng cơ quan an ninh nói chung mà người trực tiếp là biên phòng phải chịu trách nhiệm xử lý và chịu trách nhiệm trước vấn đề này.
“Còn dòng chảy về xuất nhập khẩu thì luôn luôn phải đảm bảo. Qua thực tiễn chúng tôi thấy cả Hải quan và Biên phòng phối hợp rất tốt. Cho nên dòng chảy thương mại ra và vào qua biên giới rất yên tâm”, Chủ nhiệm UBQPAN nói.
Mặc dù vậy Chủ nhiệm UBQPAN vẫn còn băn khoăn và cũng có nhiều ý kiến mỗi lần làm luật liên quan tới biên phòng và công an đều có ý kiến qua lại. “Chúng tôi tham khảo giới chuyên gia khoa học của các lực lượng này, họ đều cho rằng cần làm rõ ai là chủ trì. Cái này theo quy định của luật pháp, của Đảng. Cơ quan soạn thảo trình cái này rất thận trọng, Chính phủ rất thận trọng và chúng tôi cũng cũng rất thận trọng”, ông Võ Trọng Việt nói.
Theo Chủ nhiệm UBQPAN, UBQPAN cũng bàn tính câu từ cho chặt chẽ. Không chỉ "được" biên phòng mà phải "được" cả công an và ngược lại. Việc này, UBQPAN báo cáo Thường vụ Quốc hội và rà soát câu chữ trong điều luật bảo đảm việc này cho tốt.
Cũng theo ông Võ Trọng Việt, trên biên giới và trên biển, chúng ta phân bố lực lượng không đều. Ngoài biển khơi chỉ có hải quân, rất ít các lực lượng khác, thỉnh thoảng có cảnh sát biển, còn tàu của biên phòng thì không ra được ngoài khơi xa; trong khi đó, bên trong bờ thì rất nhều lực lượng.
“Nơi cần thì ít lực lượng, trong này thì quá nhiều lực lượng. Rất dễ có chuyện tranh công đổ lỗi, rất phức tạp. Kể cả biên giới cũng thế”, ông Võ Trọng Việt nói.
Cho nên từ thực tế những năm gần đây có những vụ việc xử lý bằng pháp luật, thể hiện bằng câu là: “Trong phạm vi quyền hạn nhiệm vụ của mình thì lực lượng nào phát hiện trước thì lực lượng ấy xử lý theo quy định của pháp luật. Thẩm quyền anh xử lý đến đâu luật quy định rồi. Ví dụ, xử lý vụ án tổng thể thì phải là Bộ Công an còn điều tra ban đầu thì Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quan và một số lực lượng khác. Thẩm quyền xử lý ban đầu xong rồi phải chuyển cơ quan điều tra, xử lý theo quy định”, ông Võ Trọng Việt nêu ý kiến.