Luật Biên phòng góp phần bảo vệ đất nước trong tình hình mới

Luật Biên phòng Việt Nam vừa được Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 rất sôi nổi. Đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng tình cần nâng cấp Pháp Lệnh Bộ đội biên phòng lên thành Luật Biên phòng.

Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang về sự cần thiết của việc xây dựng Luật Biên phòng.

Xin Thượng tướng cho biết ý nghĩa của việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

Có thể nói rằng, từ lâu nhân dân ta luôn đặc biệt quan tâm đến lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) và bảo vệ biên giới quốc gia, nhất là hiện nay thì yêu cầu về bảo vệ biên giới quốc gia đặt ra nhiệm vụ ngày càng cao.  

Chú thích ảnh
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang trả lời phỏng vấn báo Tin tức.

Trước hết, phải nói rằng đất nước chúng ta có mối quan hệ quốc tế và khu vực ngày càng phong phú, đa dạng. Tiếp nữa, chúng ta đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặt ra những yêu cầu về pháp lý trong việc bảo vệ chủ quyền, thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật ở biên giới và quản lý khu vực biên giới cũng ngày càng cao hơn.  

Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến bảo vệ Tổ quốc, đến chủ quyền biên giới quốc gia. Bộ Chính trị và Trung ương đã có chủ trương về bảo vệ đất nước trong tình hình mới, coi trọng chiến lược về quân sự, quốc phòng; ban hành các nghị quyết liên quan đến chủ quyền biên giới quốc gia và biển đảo của Tổ quốc như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Gần đây nhất, Quốc hội đã có một Nghị quyết số 88 về việc thực hiện Đề án tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.  

Có thể nói rằng các chủ trương, chính sách và hệ thống pháp luật tiếp tục được cụ thể hóa, trong đó có Luật Biên phòng Việt Nam là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Mặt khác, yêu cầu của chúng ta hiện nay gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh biên giới ngày càng chặt chẽ hơn. Để thực hiện tốt việc này đòi hỏi chúng ta phải có Luật Biên phòng.  

Vừa qua chúng ta đã có tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì cần phải nâng tầm về mặt văn bản quy phạm pháp luật, do đó việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam là rất cần thiết trong tình hình mới để giải quyết mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, về biên phòng: Khẳng định trước hết nội hàm của nó là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn biên giới quốc gia, quản lý biên giới.

Thứ hai, xác định được vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng đối với  việc bảo vệ biên giới quốc gia; trong đó thì hệ thống chính trị phải vào cuộc. Nhân dân phải xây dựng thế trận biên phòng toàn dân và xác định lực lượng nòng cốt, lực lượng chuyên trách là BĐBP phải chủ trì, phối hợp để thực hiện nhiệm vụ này.  

Chính vì vậy, đây là yêu cầu rất cần thiết phải có Luật Biên phòng Việt Nam trong tình hình mới.  

Thưa Thượng tướng! Được biết Bộ Quốc phòng soạn thảo, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng đã thẩm tra dự án luật này. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội có ý kiến cho rằng có hay không sự chồng chéo giữa các lực lượng: Biên phòng, kiểm soát cửa khẩu và hải quan. Quan điểm của Thượng tướng về vấn đề này như thế nào?

Có thể nói trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các Bộ Luật liên quan đến quốc phòng - an ninh. Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát biển, và kỳ họp thứ 9 vừa kết thúc hôm 19/6 đã đưa dự án Luật Biên phòng Việt Nam ra thảo luận lần đầu. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Biên phòng Việt Nam và tiếp tục làm sáng tỏ hơn về vị trí, chức năng của BĐBP.

Chú thích ảnh
Các chiến sĩ Bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) trên đường tuần tra biên giới.

Về cơ bản hiện nay các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, các bộ, ngành đã thống nhất với dự thảo của Bộ Luật. Tuy nhiên, còn một số vấn đề về mặt kỹ thuật phải tiếp tục hoàn thiện.

Cho nên sau kỳ họp thứ 9, khi được các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, Ban soạn thảo dự án Luật Biên phòng Việt Nam sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu và tới đây Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ còn tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo nữa để lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Hy vọng tại kỳ họp Quốc hội thứ 10, dự án Luật Biên phòng Việt Nam sẽ hoàn thiện và được Quốc hội thông qua, thể hiện đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ của công tác biên phòng, của cả hệ thống chính trị và của các lực lượng. Trong đó, vai trò của lực lượng chuyên trách, lực lượng nòng cốt là BĐBP.

Thượng tướng có đánh giá như thế nào về dư luận quan tâm đến dự án Luật Biên phòng Việt Nam?

Chúng tôi thấy rằng dư luận của nhân dân và đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến Bộ luật này, bởi vì nó liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia là vấn đề thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Tình hình hiện nay đặt ra là phải sớm hoàn thiện Bộ Luật biên phòng Việt Nam, vì nó có ý nghĩa to lớn với lực lượng vũ trang nói chung và đối với các lực lượng thực thi bảo vệ biên giới nói riêng, trong đó có BĐBP.

Chúng tôi tin tưởng rằng khi Quốc hội thông qua thì Bộ Luật này sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn/Báo Tin tức
Luật Biên phòng Việt Nam cụ thể hóa chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia
Luật Biên phòng Việt Nam cụ thể hóa chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia

Sáng 19/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN