Quang cảnh thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN |
Phân định rõ cơ quan quản lý
Luật quản lý nợ công được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010 đã xác lập cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong huy động, quản lý, sử dụng nợ công.
Tuy nhiên, cùng với những đổi mới trong Hiến pháp năm 2013, thay đổi trong hệ thống pháp luật và quá trình vận hành, phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều quy định của Luật quản lý nợ công đã bộc lộ một số vấn đề không phù hợp, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được điều chỉnh.
Theo Dự thảo Luật quản lý nợ công (sửa đổi), Nhà nước quản lý thống nhất, toàn diện nợ công, đảm bảo đúng trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng nợ công. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nợ công và gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công. Huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; vay cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và chi phí vay vốn, bảo đảm dự phòng cho các rủi ro tiềm ẩn; không chuyển khoản nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Người vay, người vay lại, người được bảo lãnh chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ đối với khoản vay, đảm bảo khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Trong Dự thảo Luật quản lý nợ công quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ,... song mới chỉ dừng ở những quy định liên quan đến nội dung công việc các cơ quan này thực hiện mà chưa phân định rõ chế độ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Để bảo đảm quyền hạn gắn liền với trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, đề nghị bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định và các đối tượng có liên quan trong toàn bộ quy trình huy động, thẩm định, phân bổ, quản lý, sử dụng nợ công, đặc biệt trong trường hợp sử dụng vốn vay không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Hồng Diên (Thái Bình) nêu ý kiến: Hiện có tới ba cơ quan quản lý nợ công, là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước. Vậy có nhất thiết phải có ba cơ quan quản lý nợ công hay không? Theo đại biểu Nguyễn Hồng Diên, cần thu gọn lại các đầu mối để quản lý chặt chẽ nợ công, tránh tình trạng dàn trải quá nhiều đầu mối quản lý nợ công.
“Chủ trương của Chính phủ là tăng cường cải cách thủ tục hành chính, một cơ quan làm nhiều việc chứ không nhất thiết nhiều cơ quan làm một việc. Chúng ta cũng đang xây dựng cơ chế bộ đa ngành. Tôi nghĩ Chính phủ nên giao cho Bộ Tài chính quản lý nợ công để làm rõ trách nhiệm, bởi Bộ Tài chính sẽ quản lý, theo dõi trần nợ công, trả nợ công… Ngân hàng Nhà nước theo dõi việc trả nợ, đàm phán vay vốn đầu tư, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý theo dõi đầu tư công”, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) kiến nghị.
Không đưa nợ tự vay tự trả của DNNN vào phạm vi nợ công
Trong Dự thảo luật quy định về phạm vi nợ công theo hướng giữ như quy định hiện hành, theo đó, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội thống nhất với phạm vi nợ công thể hiện trong Dự thảo luật. Theo đó không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), của đơn vị sự nghiệp công lập. Việc DNNN và đơn vị sự nghiệp công lập tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Trong trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác. Trường hợp đơn vị sự nghiệp vay nợ không trả được nợ thì cơ chế xử lý cũng được áp dụng như đối với các doanh nghiệp. Nếu quy định nợ của DNNN, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi nợ công sẽ dẫn đến gia tăng nghĩa vụ trả nợ công rất lớn, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Quy định nợ DNNN không thuộc phạm vi nợ công cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) nêu ý kiến: Không đưa nợ tự vay tự trả của DNNN vào phạm vi nợ công. Nhưng đại biểu Nguyễn Hoàng Anh cũng cho rằng, việc không trả được nợ nước ngoài của DNNN có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay. ”Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm tăng cường quản lý, giảm rủi ro đối với khoản nợ này” đại biểu Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị.
Cùng quan điểm này, đại biểu Tô Thị Châu (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Việc DNNN và các đơn vị công lập tự vay, tự trả là quyền tự chủ của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Quy định như vậy là phù hợp với cách tiếp cận của Luật Doanh nghiệp và một số luật khác. Vì vậy, theo đại biểu Châu, cần phân định rõ đâu là nợ công, đâu là nợ do các doanh nghiệp tự vay, tự trả. “Trong phạm vi nợ công thể hiện trong Dự thảo Luật thì bỏ qua rủi ro phát sinh từ các đơn vị sử dụng vốn ngân sách ngoài Chính phủ và các quỹ bảo hiểm xã hội. Như vậy ở điểm này còn có sự chưa tương đồng giữa quy định về cách tính nợ công của Việt Nam với các chuẩn mực quốc tế", đại biểu Tô Thị Châu phát biểu.
Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi nợ công các khoản nợ tự vay, tự trả của DNNN vì cho rằng, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm đối với các khoản nợ trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.
Một số ý kiến của đại biểu đề nghị nghiên cứu, đưa các khoản ứng trước ngân sách nhà nước (NSNN), nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng chính sách, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng vào phạm vi nợ công vì đó là những khoản nợ NSNN sẽ phải bố trí nguồn để trả ở các năm sau, nếu không tính vào nợ công sẽ dẫn đến những rủi ro, khó kiểm soát trong quá trình quản lý nợ công và điều hành NSNN.
Theo đại biểu Lưu Bình Những (Bến Tre), cần quản lý nợ công thật sự chặt chẽ, khoa học bởi nợ công liên quan đến việc đầu tư, chi tiêu, chính sách tài khóa ngắn hạn, trung hạn, dài hạn... vậy phải có được cơ chế pháp lý hỗ trợ cho cơ chế kinh tế để chúng ta đảm bảo quản lý tốt rủi ro nợ.