Một trong những quy định mới, quan trọng trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đang lấy ý kiến của nhân dân, là quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Đây là vấn đề được các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này quan tâm.
Theo luật, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: Được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Theo PGS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, kinh tế thị trường càng phát triển, không những cá nhân có hành vi phạm tội mà pháp nhân cũng có hành vi phạm tội. Trong thực tế, có những hành vi phạm tội mà cả cá nhân và pháp nhân đều xâm phạm như tội cạnh tranh không lành mạnh, tội buôn lậu, tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tội rửa tiền, tội khủng bố, tội buôn bán người…
Đồng thời, cũng có tội phạm chỉ do pháp nhân thực hiện như tội phạm về môi trường. Vì lẽ đó, Bộ luật hình sự chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là một thiếu sót lớn, bỏ lọt đối tượng phạm tội.
Về vấn đề này, có quan điểm cho rằng, để xử lý hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân, đã có Luật xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, PGS.TS Hoàng Thế Liên cho rằng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với pháp nhân còn bất cập bởi phạt vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe nên vì lợi nhuận, các pháp nhân có xu hướng tiếp tục vi phạm trật tự quản lý.
Hơn nữa, việc xử phạt hành chính được thực hiện bởi cơ quan hành chính, vì thế không thể so sánh được với việc xử lý bằng một thủ tục tố tụng tư pháp có tính chuyên nghiệp, khách quan, chặt chẽ, dân chủ. Nhìn nhận ở góc độ nước ta đã tham gia Công ước chống tội phạm có tổ chức, nếu dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính thì một số hành vi vi phạm khác mà Công ước quốc tế đã quy định chưa có cơ sở pháp luật để xử lý như tội rửa tiền, tội khủng bố, tội buôn bán người…
Đánh giá cao việc Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã có quy định về vấn đề này, dành Chương XI quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, trong đó xác định rõ phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân, PGS.TS Hoàng Thế Liên cho rằng đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ nên cần có bước đi phù hợp, tránh xáo trộn lớn trong việc tổ chức thi hành chính sách hình sự, tố tụng hình sự…
Dự thảo mới tập trung vào nhóm tội phạm đang gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Tán thành với việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng nhấn mạnh quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân về cơ bản không có vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn, đồng thời phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Quy định này cũng phù hợp với thực tiễn trong đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Đề nghị làm rõ các loại hình phạt nào áp dụng đối với pháp nhân.
Theo đề xuất của Chính phủ có các loại: phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn.
Theo ông Hồng, đối với các hình phạt như phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉnh hoạt động có thời hạn… cần phải làm rõ sự khác nhau giữa áp dụng biện pháp xử phạt hành chính và hình sự.
PGS.TS Hoàng Thế Liên đặt vấn đề khi áp dụng các biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động của pháp nhân, vấn đề lợi ích của người lao động được giải quyết như thế nào. Ông cho rằng, hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động áp dụng đối với pháp nhân phạm tội được quy định trong dự thảo bộ luật không phải hoàn toàn mới.
Về bản chất, hình phạt này cũng tương tự như chế tài xử phạt vi phạm hành chính “Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn” được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Việc áp dụng hình phạt này đối với pháp nhân có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động làm việc cho pháp nhân.
Theo PGS.TS Hoàng Thế Liên, để giải quyết quyền lợi người lao động, có thể vận dụng kinh nghiệm giải quyết các vấn đề liên quan hoặc có thể vận dụng các quy định có liên quan của Luật Doanh nghiệp năm 2014 như Điều 200 về tạm ngừng kinh doanh hay Điều 201, 202 về giải thể doanh nghiệp hoặc Luật Phá sản năm 2014 Điều 54 về thứ tự phân chia tài sản để giải quyết vấn đề an sinh xã hội đối với người lao động.
Cùng quan điểm cần phải bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không phải vấn đề mới hoàn toàn đối với pháp luật Việt Nam.
Trong trách nhiệm hình sự pháp nhân, nội dung quan trọng là trách nhiệm của những thành viên đại diện pháp nhân. Đối với nội dung này, pháp luật hình sự hiện hành cũng đã quy định, bằng việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của các thành viên pháp nhân với vai trò, vị trí khác nhau, với tư cách là đồng phạm trong phạm tội có tổ chức.
Vì thế, vấn đề bổ sung trách nhiệm hình sự pháp nhân chỉ có 2 điểm mới, đó là đưa trách nhiệm về mặt hành chính và mặt kinh tế, vốn được quy định ở các luật chuyên ngành nâng lên thành trách nhiệm hình sự đặt trong luật hình sự.
Dự thảo bộ luật cụ thể hóa những tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, việc bổ sung này là cần thiết, đáp ứng được việc xác định đầy đủ trách nhiệm hình sự pháp nhân để phục vụ cho việc đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tình hình vi phạm của pháp nhân ngày càng gia tăng, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế mà các Điều ước quốc tế Việt Nam tham gia.