Cấp điện cho đồng bào dân tộc
Tán thành Báo cáo giám sát kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cho rằng, đất nước ta đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ với sự phát triển rất phong phú, đa dạng của các ngành khoa học. Việc ứng dụng công nghệ đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, còn rất nhiều người dân vùng sâu, vùng xa chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại, không được tiếp cận với tiện ích và văn minh do điện đem lại.
“Đây là sự thiệt thòi rất lớn của những người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn”, đại biểu Nguyễn Thị Huế nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế nêu rõ, tại Tờ trình số 3462/TTr-BCT của Bộ Công Thương về đề nghị phê duyệt Chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đến năm 2025 đầu tư cấp điện cho 911.400 hộ dân tại 14.676 thôn bản, trên địa bàn gần 3.100 xã trên cả nước. Tổng nguồn vốn khoảng 29.800 tỷ đồng. Số lượng hộ dân được thụ hưởng rất lớn, đa số là các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Nhưng đến thời điểm này, chương trình trên chưa được Chính phủ phê duyệt, do đó, không có cơ sở để đề xuất nguồn lực để hỗ trợ nguồn vốn thực hiện dự án cấp điện cho các thôn bản chưa có điện... Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện chưa cân đối được khoảng 20.883 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ này.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế kiến nghị cần quan tâm bố trí, cân đối nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để tiếp tục đầu tư, thực hiện việc cấp điện cho gần 2 triệu người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để. Từ đó, người dân có cơ hội được thụ hưởng những tiện ích do điện mang lại, giảm bớt thiệt thòi, góp phần nâng cao dân trí, an sinh xã hội, đem lại sự đổi mới, phát triển kinh tế khi có ánh sáng và nguồn điện đem lại.
“Đây cũng là chính sách nhân văn, ý nghĩa để chào mừng sự kiện tròn 40 năm thực hiện chính sách đổi mới của Đảng vào năm 2026”, đại biểu Nguyễn Thị Huế nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là đầu mối để triển khai thực hiện, hướng dẫn nhân dân; thu thập thông tin, tổng hợp và báo cáo tiến độ, hiệu quả của các chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung và các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn nói riêng. Đây cũng là đội ngũ gần dân, sát dân, hiểu dân và trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây có hiện tượng một số cán bộ, công chức cấp xã ở miền núi, ở miền núi xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động hoặc tìm việc làm khác do áp lực lớn, số lượng công việc mới nhiều, tiền lương thấp và phụ cấp hầu như không có
“Nếu không có giải pháp sớm để khắc phục tình trạng này sẽ dẫn đến việc lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có kinh nghiệm, hiểu dân và giao tiếp được với nhân dân bằng tiếng dân tộc. Có thể trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng”, đại biểu Nguyễn Thị Huế nhấn mạnh.
Cùng với việc tăng cường năng lực, chất lượng để đáp ứng tốt hơn cho công việc, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị cần có chính sách tiền lương, phụ cấp thỏa đáng để cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã để đội ngũ này đảm bảo đời sống, yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị bố trí thêm nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để có chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số; triển khai trong hệ thống giáo dục để thế hệ trẻ, học sinh-sinh viên, thanh thiếu niên, nhi đồng biết yêu, giữ và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Từ góp phần biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh, thu hút và phát triển du lịch, cải thiện chất lượng cuộc sống, lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp để trao truyền cho muôn đời sau.
Tạo quỹ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
Đề nghị tạo quỹ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu K'Nhiễu (Lâm Đồng) cho rằng, thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tập trung giải quyết.
Trong đó, việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số đang và sẽ đối diện với thách thức như việc gia tăng dân số ở các vùng đồng bào dân tộc số và miền núi tạo nên áp lực đối với đất đai canh tác truyền thống. Bên cạnh đó là sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, nông nghiệp hàng hóa kéo theo sự bùng nổ của các dự án khai khoáng năng lượng; phát triển giao thông, đô thị; tập trung đất trồng cây nguyên liệu, cây công nghiệp hàng hóa… Tình trạng thiếu đất sản xuất, đất rừng bị lấn chiếm, tranh chấp diễn ra ở nhiều địa phương. Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Tính đến năm 2022, số hộ nghèo, cận nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 55% tổng số hộ nghèo của cả nước.
Đại biểu K'Nhiễu cho rằng, nguồn lực đất đai là yếu tố chi phối sự phát triển của mỗi cộng đồng, đặc biệt là dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số là nhóm yếu thế, cần có quan tâm đặc biệt và có chính sách hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập khiến việc thực hiện mục tiêu tháo gỡ khó khăn về đất ở, đất sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn…
Do đó, đại biểu K'Nhiễu đề nghị cần tạo quỹ đất hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là quỹ đất có nguồn gốc nông lâm trường, thực hiện theo Điều 182 của Luật Đất đai hiện hành.
Trên thực tế, ở nhiều nơi, người dân đã trồng cây từ nhiều năm và dựa vào đó làm kế sinh nhai qua nhiều thế hệ. Đây là vấn đề rất khó khăn cho công tác quản lý con người về đất rừng tự nhiên trên địa bàn cả nước cũng như trên địa bàn Tây Nguyên. Do đó, đại biểu K'Nhiễu đề nghị cần tập trung, thu gom người dân vào sinh sống, sản xuất tại vùng đất đã được quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng, hạn chế thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư tự do.