Ông Nguyễn Thanh Lâm, cho biết: Môi trường truyền thông hiện nay đa chiều, trực tuyến, mọi lúc, mọi nơi, vì vậy tồn tại "nguy" và "cơ". Việt Nam hiện nay có gần 850 cơ quan báo in, báo điện tử; 67 Đài Phát thanh, Truyền hình với hàng trăm kênh truyền hình, phát thanh; hàng ngàn trang tin điện tử được cấp phép, với trên 20 nghìn nhà báo chuyên nghiệp (được cấp thẻ) cùng một đội ngũ vô cùng đông đảo các phóng viên chưa được cấp thẻ và biên tập viên làm nghề đưa tin lên mạng. Ngoài ra, còn vô số các dịch vụ cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới. Và hơn 60 triệu tài khoản mạng xã hội facebook, hàng chục triệu tài khoản mạng xã hội trong nước.
Hiện nay, môi trường truyền thông với các công cụ tìm kiếm trên mạng xã hội như Google, Ask, Bing với chức năng lưu giữ, gợi ý các nội dung tìm kiếm có liên quan, hiển thị các nội dung được xem nhiều. Nhưng đáng chú ý, thông thường các nội dung thông tin này là "tiêu cực". Vì, tin tốt không được xem nhiều bằng tin xấu, tin đồn thất thiệt... Cũng vì thế, trong môi trường truyền thông hiện nay không có gì còn có thể bí mật. Với mạng xã hội và điện thoại thông minh, ai cũng có thể là "nguồn tin". Mọi việc làm, hành vi của tổ chức cá nhân đều để lại dấu vết và trở thành "mầm mống" cho khủng hoảng truyền thông với những status, comment, ảnh, video trực tiếp.
Chỉ rõ truyền thông hiện đại có xu hướng cùng đưa tin dồn dập về một sự việc, hiện tượng, dẫn đến xu hướng "nghiêm trọng hóa", thổi phồng về quy mô, bản chất sự việc, ông Nguyễn Thanh Lâm đề cập đến xu hướng quá tập trung vào những việc thị phi trong một bộ phận truyền thông xã hội và cả trong báo chí. Điển hình là cơn mưa "gạch đá" vào công trình nghiên cứu đề xuất cải tiến chữ tiếng Việt được Phó Giáo sư - Tiến sỹ Bùi Hiển đưa ra tại hội thảo "Ngôn ngữ ở Việt Nam", với 761 bài viết trên 99 cơ quan báo chí đề cập đến đề tài này trong thời gian từ ngày 25/11 đến 4/12/2017 cùng hàng triệu comment và status trên mạng xã hội.
Nhấn mạnh truyền thông xã hội có lúc cực đoan, có lúc lại "tự điều chỉnh", Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng "có những vụ việc nổ ra trên mạng, và cũng "tự giải quyết" mà ta không cần phải làm gì". Như sự cố truyền thông liên quan đến "Con rồng Hải Phòng" sau đó đã tự giải quyết mà không gây thiệt hại nào cho thành phố này. Tất cả chỉ trong vòng 3 ngày. Họa sĩ thiết kế ra con rồng Picachu này sau đó đã bán bản quyền các biểu tượng rồng này cho... Zalo.
Đề cập vấn đề mạng xã hội thúc đẩy xu hướng giải quyết các vụ việc theo sức ép đám đông, ông Nguyễn Thanh Lâm chỉ rõ việc truyền thông hiện đại có xu hướng cùng đưa tin dồn dập về một sự việc, hiện tượng đã tạo ra các "cơn sốt, cơn bão" của dư luận. Nhiều vụ việc bê bối khi bị tung lên mạng xã hội đã kéo theo những cơn khủng hoảng thật sự, do chịu sức ép lớn của công luận, của không khí chính trị. Trong bối cảnh đó, "thời buổi" truyền thông xã hội thì tin giả, tin đưa với dụng ý xấu cũng có thể gây khủng hoảng truyền thông. Hơn nữa, qua lăng kính của Mạng xã hội thì cảm xúc tức thời "lên ngôi", xu hướng "phụ họa" trong một cộng đồng quen biết nhau đã đẩy một câu chuyện đi quá xa.
"Mạng xã hội trao cho người dùng một thứ "quyền lực" để phản biện, phản đối, và có lúc là để gây hại... Ai cũng có thể trở thành "Nhà báo", thậm chí là "Quan tòa". Chính vì vậy, mặt trái của mạng xã hội là khả năng "sát thương, gây hại" với tâm lý "vô can", với cảm giác là có thể phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm gì, chính là một trong những yếu tố "gây nghiện" của mạng xã hội. Chính trong bối cảnh đó, danh xưng "Anh hùng bàn phím" và thuật ngữ "tay nhanh hơn não" đã trở nên phổ biến", ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Cho biết khái niệm "khủng hoảng truyền thông" đến nay chưa có một định nghĩa chính xác, ông Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ, "khủng hoảng truyền thông" xuất phát từ việc quan sát, tổng kết thực tiễn các vụ việc mà ở đó yếu tố truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho tình hình trở nên xấu đi hay tốt lên. Bản thân một vụ việc khi xảy ra có thể đã tiềm ẩn yếu tố làm xảy ra khủng hoảng nhưng cũng có khi một việc làm tốt, một chính sách tốt nếu không được truyền thông, giải thích tốt cũng có thể kéo theo khủng hoảng truyền thông. Vì vậy, xử lý khủng hoảng truyền thông nên được hiểu là xử lý bằng nhiều biện pháp, bao gồm cả biện pháp truyền thông để vụ việc được lắng xuống, hoặc có kết cục tốt đẹp. Tuy nhiên, cần tránh yếu tố tâm lý coi truyền thông là nguyên nhân của khủng hoảng hoặc kết quả của việc xử lý khủng hoảng.
Đối với những nguy cơ và nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội, ông Nguyễn Thanh Lâm nhận định, cơ bản hiện nay, hệ thống chính trị, trong đó có bộ máy điều hành từ Trung ương đến địa phương đang vận hành ngày càng công khai, minh bạch. Các vụ việc nảy sinh đều được quan tâm, chỉ đạo, giải quyết công khai, minh bạch, quyết liệt... Niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định và phát triển của đất nước đã được nâng lên một mức cao hơn, đặc biệt là với những thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch COVID-19 và trong phát triển kinh tế. Đoàn kết, nhất trí trong hệ thống cũng đang được nâng lên một bước... Đây là nền tảng quan trọng để hạn chế các phức tạp nảy sinh về kinh tế, an sinh xã hội, tâm tư tình cảm của cán bộ, nhân dân, qua đó hạn chế các cuộc khủng hoảng truyền thông lớn và các cuộc khủng hoảng xã hội lớn...
Theo kiến nghị của ông Nguyễn Thanh Lâm, xử lý khủng hoảng truyền thông không chỉ là giải quyết các vấn đề từ góc độ truyền thông, mà phải xử lý căn nguyên của khủng hoảng. Việc này cần có giải pháp căn cơ, cần nhiều thời gian, vì vậy rất cần sự bình tĩnh trong mọi trường hợp, cần hết sức tránh "chính trị hóa" vấn đề. Đồng thời, cần kiện toàn bộ máy chuyên trách về truyền thông, pháp lý và xử lý khủng hoảng truyền thông ở ngành, địa phương mình với sự giúp sức của cả nhân lực và công nghệ từ "thị trường", vì khó có cơ quan, tổ chức nào có thể tự mình giải quyết hết các vấn đề khi "có chuyện". Phân biệt sự khác nhau giữa công tác này với công tác thi đua, khen thưởng, tuyên truyền, vốn chủ yếu chỉ có tác động tích cực trong nội bộ.
Cần có ngay các quy định nội bộ về sử dụng mạng xã hội, về quản trị hình ảnh của cá nhân, tổ chức, đặc biệt là trong sinh hoạt đời tư, hạn chế và kiểm soát việc đưa hình ảnh sinh hoạt, ý kiến cá nhân lên mạng xã hội. Các ngành, lãnh đạo các ngành, địa phương cần có công cụ, phương thức rà soát, lắng nghe thông tin nhiều chiều trên mạng để phân tích, ứng phó. Bộ Thông tin và Truyền thông có Trung tâm giám sát không gian mạng, có thể hỗ trợ việc này...
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe thông tin chuyên đề “Chiến lược quốc phòng, an ninh của Việt Nam trong tình hình mới - những đối sách trước sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn (Mỹ - Trung) do Trưởng phòng Báo cáo viên Đoàn Tư Hoan, Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trình bày.